Theo nhận định của các chuyên gia, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và những hành động cụ thể của các địa phương, nhiều khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản đã từng bước được tháo gỡ. Tình hình thị trường bất động sản đã có những chuyển biến theo chiều hướng tích cực.
Trong tháng 8 vừa qua có 9 đợt phát hành trái phiếu của 7 doanh nghiệp bất động sản với tổng giá trị phát hành là gần 23.000 tỷ đồng. Con số này gần bằng với tổng giá trị phát hành của nhóm bất động sản trong 6 tháng đầu năm.
Trong bối cảnh đang có hàng loạt dự án dự án bị đứt gãy tiếp cận tín dụng, vốn đầu tư từ khách hàng, thì việc Ngân hàng Nhà nước ngưng hiệu lực thi hành các khoản 8, 9, 10 Điều 8 của Thông tư số 39, được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023, từ ngày 1/9 được các doanh nghiệp đánh giá cao.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Phương Đông cho rằng: “Giải pháp hiện nay theo tôi là một mặt Ngân hàng nên giảm lãi suất để tăng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp. Quan trọng hơn là chúng ta phải tìm kênh xử lý vốn phù hợp, bởi vì đối với dự án bất động sản để đáp ứng đủ điều kiện vay vốn, huy động vốn của các tổ chức tín dụng thì mất rất nhiều thời gian. Do đó cần giải pháp đồng bộ hơn và nới lỏng hơn”.
Trong một văn bản chỉ đạo mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản; chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn. Thủ tướng cũng yêu cầu xem xét cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.
Theo Vov.vn