Người Việt có thói quen kiêng kị mua sắm trong “tháng cô hồn”, nên bước sang tháng 7 âm lịch, hầu hết doanh nghiệp (DN) kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng đều giảm giá để kích cầu. Nếu bỏ qua yếu tố tâm linh, người tiêu dùng mua hàng trong dịp này sẽ có lợi.
Dân kinh doanh vẫn ái ngại
Theo các chuyên gia, muốn hay không trong làm ăn nhất là kinh doanh, yếu tố “thiên thời, địa lợi” vẫn được coi trọng hàng đầu. Vì thế trong tháng 7 âm lịch vốn được coi là “tháng cô hồn”, mọi hoạt động mua bán sản phẩm, marketing của DN gần như đình trệ.
Chị Thanh Hà, chủ một cửa hàng điện máy trên đường Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ sự ái ngại khi nhắc đến câu chuyện bán hàng trong “tháng cô hồn”. “Cửa hàng tôi chỉ phân phối hàng của hãng. Năm 2018, đúng vào tháng 7 âm lịch, từ mùng 1 cho đến hết ngày 15 gần như không có người mua hàng. Năm nay, tình hình cũng không khá hơn. Từ đầu tháng đến giờ, cửa hàng mới bán được 3 sản phẩm”, chị cho biết.
Thông thường tháng 7 âm lịch, các hãng điện tử tăng cường truyền thông giảm giá sản phẩm, thậm chí có quà tặng kèm khi mua hàng đắt tiền. Ví dụ như mua tivi được tặng bộ cốc uống bia, mua tủ lạnh được tặng lò vi sóng, mua máy giặt được tặng khăn tắm…
Khảo sát tại siêu thị điện máy Pico, kể từ ngày 1 – 31/8, hàng chục mặt hàng giảm giá. Chẳng hạn, khách hàng mua iPhone X, XS, XS Max sẽ được giảm giá 2 triệu đồng/sản phẩm. Tủ lạnh Panasonic giảm giá 14% và khách hàng còn được tặng thêm 1 ấm đun nước siêu tốc. Điều hoà Samsung giảm giá tới 36%; tivi Samsung 43 inch giảm giá lên đến 44%; lò vi sóng Electrolux giảm giá 34%…
Không chỉ có các mặt hàng điện tử, các hãng ô tô, xe máy cũng đồng loạt giảm giá nhằm kích cầu.
Honda – hãng xe chiếm thị phần lớn, đang áp dụng chương trình khuyến mãi giảm giá cho hầu hết các mẫu xe. Ở phân khúc xe số, mẫu xe hot Wave Alpha giảm tại các đại lý ở Hà Nội trong đầu tháng 8, hiện giá xe tại Hà Nội giảm 200.000 đồng; Wave RSX cũng giảm 250.000 – 500.000 đồng.
Tháng 8 cũng là thời điểm “bão” giảm giá xe ô tô. Ford Everest đang giảm mạnh 39 – 87 triệu đồng xuống còn 960 triệu đến 1,3 tỷ đồng. Trong đó, Ford Everest phiên bản Trend 2.0 4x2 có mức giảm cao nhất là 87 triệu đồng, phiên bản Ambiente 2.0 MT có mức giảm thấp nhất là 39 triệu đồng.
Những dòng xe giá rẻ, thông dụng như Hyundai Grand i10, Elantra, Kona… cũng đua nhau giảm tới gần 30 triệu đồng.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Các DN sản xuất cho biết, dù lượng tiêu thụ hàng hóa trong tháng 8 có thể giảm, song việc sản xuất vẫn không bị đình trệ, bởi nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, hứa hẹn thị trường sôi động hơn và các DN cũng bắt tay vào sản xuất để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Theo kinh nghiệm của chị Hà, sau ngày 15/7 âm lịch, xu hướng quay trở lại mua sản phẩm để hưởng ưu đãi của khách hàng tăng đáng kể. Doanh số có thể tăng gấp đôi so với những tháng trước đó.
Cũng mang quan điểm kiêng kị mua sắm những món đồ lớn trong tháng 7 âm lịch, nhưng anh Hùng Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ đang có nhu cầu mua ô tô thì nhận được điện thoại của một nhân viên tư vấn là các hãng xe có ưu đãi rất tốt về giá trong tháng 7 âm lịch. Vì vậy, anh quyết định chọn thời điểm sau Rằm để mua, vừa tránh được kiêng kị, vừa mua được xe giá rẻ và nhiều khuyến mãi.
Anh Mạnh Tuấn, chủ một showroom ô tô trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, tôi thấy doanh số “tháng cô hồn” không quá ế ẩm như mọi người vẫn nghĩ. Hy vọng doanh số tháng 7 âm năm nay cũng sẽ tăng trưởng như chỉ tiêu mà đại lý đặt ra”.
Một nhân viên môi giới nhà đất cũng nhận thấy quan niệm kị mua nhà vào “tháng cô hồn” đang được cởi bỏ dần trên thị trường bất động sản.
Cụ thể, những năm gần đây, thị trường bất động sản tuy chững một chút vào tháng 7 âm lịch nhưng nếu công ty đưa ra những chính sách khuyến mãi tốt thì vẫn có khách đặt mua vào thời điểm cuối tháng. Thậm chí, nhiều công ty còn bán tốt hơn những tháng khác.
“Người dân ngày càng có suy nghĩ thoáng hơn và không quá đặt nặng về quan niệm dân gian nữa. Điển hình là vài năm gần đây, tính chung trong cả tháng 7 âm lịch, thị trường nhà đất vẫn tiêu thụ khá tốt”, nhân viên môi giới này chia sẻ.
Theo các chuyên gia kinh tế, chưa ai chứng minh được việc mua bán những thứ đắt tiền trong “tháng cô hồn” như nhà cửa, xe cộ là đen xui, song tâm lý chung người dân là tránh mua những đồ tiêu dùng có giá trị lớn, khiến doanh số thực tế trên thị trường những năm trước giảm khá mạnh. Tuy nhiên, gần đây, xu hướng mua hàng hóa trong 2 tuần cuối cùng của “tháng cô hồn” để hưởng lợi từ các chương trình khuyến mãi, giảm giá được người tiêu dùng hưởng ứng.
Theo Thời Báo Kinh Doanh