Mặc dù rơi vào tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch), cùng với thời điểm thị trường vào “vùng trũng” thông tin do các doanh nghiệp vừa kết thúc báo cáo kinh doanh quý 2, nhưng sau hơn 2 tuần giao dịch của tháng Ngâu, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khá tích cực. VN-Index đã vượt 990 điểm trong ngày 27-8 và tiến sát mốc 1.000 điểm trong phiên giao dịch ngày 28-8.
Thị trường phục hồi tích cực
Cũng như các ngành nghề buôn bán khác, tháng Ngâu thường mang lại lo ngại cho một bộ phận nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán nên nhà đầu tư khá thận trọng trong giao dịch, nhất là trong bối cảnh hiện tại, chiến tranh thương mại vẫn đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thực tế cũng cho thấy, tháng Ngâu năm nay, thị trường chứng khoán vẫn có những phiên rung lắc và biến động mạnh vì giao dịch dè dặt và hiện tượng chốt lời sớm hơn nhằm tránh rủi ro, nhưng nhìn chung thị trường vẫn khá tích cực và thuận lợi.
Thanh khoản thị trường vẫn giữ ở mức trung bình khoảng 4.000 tỷ đồng/phiên.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch VN-Index vượt 990 điểm ngày 27-8, chỉ tính dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đã đạt 4.088 tỷ đồng - cao nhất trong 8 phiên. Đỉnh cao gần nhất là hôm 13-8 (ngày giao dịch đầu tiên trong tháng Ngâu của thị trường chứng khoán) với 4.603 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, thị trường chứng khoán năm nay không “ngán” tháng Ngâu vì tình hình kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn trong 6 tháng đầu năm ghi nhận sự tăng trưởng cao cả về doanh thu và lợi nhuận của nhiều đơn vị.
Nhiều cổ phiếu của các nhóm ngành được dự báo có triển vọng tăng trưởng tốt như xây dựng, tài chính, ngân hàng, thủy điện… hiện đã có mức định giá tương đối thấp với P/E dưới 13 lần so với mặt bằng chung.
Bên cạnh đó, những lo ngại về biến động tỷ giá, chiến tranh thương mại trong nhiều tháng qua đã dần lắng xuống, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khẳng định sẽ duy trì tiến độ tăng lãi suất từ tốn, sẽ không tăng lãi suất trong tháng 8, nên thị trường chứng khoán cũng bớt chịu tác động từ bên ngoài.
Theo phân tích của lãnh đạo Công ty Chứng khoán Bản Việt, thông tin về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tuy có ảnh hưởng chung tới thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có Việt Nam, nhưng thông tin đó đã phản ánh vào thị trường trong giai đoạn điều chỉnh từ tháng 4 đến tháng 7 vừa qua.
Thống kê cho thấy, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra từ cuối tháng 6-2018, VN-Index đã giảm so với các thị trường trong khu vực. Cụ thể, chỉ số VN-Index đã giảm 2,4%, các thị trường chứng khoán trong khu vực như Philippines, Thái Lan, Malaysia lại tăng khá với mức trung bình tăng 4,1%.
Mặc dù còn hơn một tuần nữa mới hết tháng Ngâu nhưng có thể thấy rằng, tâm lý lo ngại của tháng này dường như đã hạn chế đáng kể. Minh chứng rõ nhất là VN-Index hiện đang tiến sát mốc 1.000 điểm.
Kịch bản cho thị trường cuối năm
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thực sự phục hồi trong 2 tháng qua kể từ khi VN-Index giảm mạnh xuống dưới 900 điểm vào tháng 6-2018 trong bối cảnh căng thẳng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, cũng như lạm phát, biến động tỷ giá gia tăng, có nguy cơ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong các tháng cuối năm 2018.
Mặc dù trong tháng 8-2018, giao dịch trên toàn thị trường không quá sôi động nhưng dòng tiền lớn chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu cơ bản, những cổ phiếu dẫn sóng vốn hóa lớn điển hình như nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và dầu khí.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán PSI, cho biết quý 2-2018 có diễn biến khá giống các năm trước, khi mà kinh tế vĩ mô không nhiều tin tức hỗ trợ, tỷ giá biến động mạnh khiến nhà đầu tư ít nhiều lo ngại.
Trái ngược với tăng trưởng GDP quý 2-2018 tiếp tục tích cực, thị trường chứng khoán Việt Nam tạo đáy và sau đó hồi phục, tăng gần 100 điểm lên vùng 990 điểm trong vòng 2 tháng qua.
Theo ông Khánh, hiện VN-Index đang gặp vùng kháng cự rất mạnh 980 - 1.000 điểm nhưng từ diễn biến vĩ mô cũng như dấu hiệu kỹ thuật từ thị trường cho thấy, nhiều khả năng tháng 9 sẽ là tháng VN-Index bước vào giai đoạn bứt phá vùng điểm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam, đưa ra 3 kịch bản thị trường chứng khoán Việt Nam cho nửa cuối năm 2018.
Cụ thể, với bối cảnh kịch bản trung tính, câu chuyện căng thẳng chiến tranh thương mại sẽ có giải pháp là trung dung, kết quả không quá tệ, cùng với đó giả định vùng đệm về mặt định giá là 25% - 30%, nhưng để thận trọng lấy mức 15%, thị trường khu vực biến động bằng 0, ông Lâm cho rằng thị trường chứng khoán Việt hoàn toàn có khả năng kỳ vọng VN-Index tiếp cận vùng 1.109 điểm.
Ở kịch bản tiêu cực, thị trường tiếp tục đón nhận thông tin Mỹ chính thức đánh thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào tháng 9-2018. Khi đó, thị trường khu vực sẽ chịu tác động rất lớn dẫn đến khả năng giảm 30% so với mức hiện tại. Với mức giảm của khu vực là 30%, thì VN-Index sẽ giảm về 820 điểm.
Còn đối với kịch bản tốt nhất, Mỹ - Trung tìm được tiếng nói chung, thị trường có thể tăng khoảng 20%, thị trường Việt sẽ có thể tăng lên vùng 1.300 điểm.
“Để tối ưu hóa thì việc lựa chọn cổ phiếu là quyết định cho đầu tư. Năm 2018 câu chuyện đã khác và khó kỳ vọng chuyện nước lên thuyền lên như giai đoạn 2017. Riêng thị trường trong tháng Ngâu thì không quá đáng lo ngại”, ông Lâm cho hay.
|
Theo SGGP