Sau khi giảm trên 10% trong 2 tháng liên tục, việc “khởi nghĩa” thành công của thị trường trong phiên giao dịch ngày 29-5 được các chuyên gia đánh giá là giúp giải tỏa phần nào tâm lý ức chế đang ngự trị trên thị trường. Bởi lẽ, chỉ chưa đầy 2 tháng, VN-Index đã mất gần 22%, bào mòn đáng kể tài khoản của nhà đầu tư và đỉnh điểm là cuộc tháo chạy khỏi thị trường trong phiên hôm trước (28-5), kéo VN-Index xuống mức giảm thấp nhất tính từ đầu năm 2018 đến nay - 930 điểm.
Đảo chiều, VN-Index tăng hơn 20 điểm
Sau phiên bán tháo trong ngày hôm trước, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 29-5 đã hút được lực cầu bắt đáy khá tốt, kéo VN-Index trong phiên từ giảm 15 điểm quay đầu tăng hơn 20 điểm (biên độ tăng khoảng 35 điểm).
Mặc dù thị trường vẫn tiếp diễn lực bán (nên đầu phiên sáng VN-Index tiếp tục giảm khoảng 15 điểm) nhưng sau đó dòng tiền bắt đáy nhập cuộc, khiến hàng loạt cổ phiếu (CP) vốn hóa lớn hồi phục mạnh. Trong đó, nhiều mã CP nhóm ngân hàng và chứng khoán như VCB, CTG, BID, SSI, SHB, BID… tăng trần kéo VN-Index lấy lại điểm mất trong phiên sáng và tăng thêm gần 21 điểm, vượt 950 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 20,43 điểm (2,19%) lên 952,18 điểm. HNX-Index gây ấn tượng hơn khi chốt phiên tại sàn Hà Nội đã tăng 5,51điểm (5,13%), lên 112,88 điểm. Thanh khoản thị trường mặc dù giảm nhẹ so với phiên hôm trước nhưng vẫn ở mức cao, với tổng khối lượng khớp lệnh toàn thị trường đạt 251 triệu CP, tương ứng giá trị 6.284 tỷ đồng.
Sự đảo chiều ngoạn mục này được hãng tin Bloomberg cũng như các chuyên gia trong ngành nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đã chạm đáy.
Theo Bloomberg, trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn mạnh khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam và sự bán tháo hoảng loạn diễn ra trên toàn thị trường, thì các nhà đầu cơ giá lên vẫn nhìn vào sự tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ là những lý do để lạc quan.
Đầu tư chứ không phải chơi chứng khoán
Nhận định về thị trường chứng khoán trong đợt suy giảm mạnh và đánh mất mọi thành quả được tạo lập từ đầu năm tới nay, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), cho rằng khi VN-Index tăng, phần lớn là do việc tăng giá của những mã CP lớn, nhưng khi các mã CP lớn giảm kéo theo VN-Index giảm thì đa số giá của các CP khác cũng giảm theo. Đây chính là lúc các nhà đầu tư theo trường phái đầu tư giá trị có cơ hội gia tăng tỷ trọng sở hữu những CP này.
Theo ông Hưng, VN-Index mang ý nghĩa lịch sử và nghiên cứu học thuật. Tuy vậy, cơ cấu tính chỉ số này đã chỉ ra nhiều hạn chế. Cũng không chỉ riêng VN-Index, mà các chỉ số khác cũng có những bất cập và không thể thỏa mãn toàn bộ các yêu cầu của các nhà đầu tư khác nhau trên thị trường.
Từ đó, ông Hưng khuyến nghị: Các nhà đầu tư cá nhân nếu đầu tư lướt sóng dựa vào dự đoán tăng giảm của thị trường - vốn bị ảnh hưởng rất nhiều bởi các CP lớn - có thể tham gia đầu tư tại thị trường phái sinh. Còn khi đầu tư vào CP, ngoài việc dự đoán xu hướng tăng giảm của thị trường, của CP, thì quan trọng nhất vẫn phải nghiên cứu về công ty, về tình hình tài chính, về ban lãnh đạo, về lịch sử phát triển…, chứ đừng chỉ đầu tư hay tháo chạy bởi những tin đồn “ông này kéo lên, bà kia đánh xuống”, hay “quỹ ngoại này mua, quỹ lớn kia chạy”...
“Đây là đầu tư chứng khoán chứ không phải là chơi chứng khoán. Thị trường Việt Nam hiện có rất nhiều CP đáp ứng các yêu cầu của đầu tư giá trị, có thể mang lại lợi nhuận cao hơn mức kỳ vọng 15% - 20%/năm”, ông Hưng cho hay.
Sau khi VN-Index lao dốc không phanh, xuống sát 930 điểm - trở thành thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới trong quý 2-2018, lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã lên tiếng trấn an thị trường.
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chuỗi giảm điểm mạnh của thị trường thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Trong đó, chủ yếu là do thị trường đã có giai đoạn tăng trưởng mạnh trong năm 2017 và quý 1-2018, nên đợt giảm này nằm trong xu thế điều chỉnh vì nhà đầu tư chốt lời. Ngoài ra, thị trường cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, địa chính trị thế giới đã gây ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư. Riêng việc Mỹ tăng lãi suất thời gian qua cũng làm dịch chuyển các dòng vốn trên thế giới.
Từ đó, ông Sơn cũng khuyến nghị đầu tư cần bình tĩnh, đầu tư chứng khoán theo giá trị dài hạn; đồng thời khẳng định thị trường biến động nhưng vẫn đảm bảo nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ tích cực. Có hơn 90% doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn đều có tăng trưởng tốt. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có chỉ đạo quyết liệt cổ phần hóa để đưa hàng hóa chất lượng lên sàn, góp phần tăng sức hút của thị trường chứng khoán Việt Nam trong mắt nhà đầu tư.
Sau phiên mua ròng gần 20 tỷ đồng của ngày hôm trước, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trở lại trong phiên ngày 29-5 nhưng giá trị bán ròng cũng tương đối thấp - chỉ 17,17 tỷ đồng. Cụ thể, trên sàn TPHCM (HoSE), khối ngoại đã bán ròng 427.630 đơn vị với tổng giá trị bán ròng tương ứng 6,48 tỷ đồng. Trên sàn Hà Nội (HNX), khối ngoại bán ròng 825.385 đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 14,58 tỷ đồng. CP bị bán mạnh nhất là VGC với giá trị 9,9 tỷ đồng, tương ứng 481.600 đơn vị. Tiếp đến là PVS với giá trị 6 tỷ đồng, tương ứng 371.300 đơn vị. Trên sàn UpCoM, khối ngoại đã bán ròng 41.441 đơn vị, nhưng tổng giá trị tương ứng lại là mua ròng 3,89 tỷ đồng. Tính chung trên cả 3 sàn, khối ngoại đã bán ròng hơn 1,29 triệu đơn vị, với tổng giá trị tương ứng 17,17 tỷ đồng. Trong khi phiên trước, khối ngoại mua ròng 772.097 đơn vị, tổng giá trị 19,68 tỷ đồng. |
Theo SGGP