Nguồn cung dồi dào, giá cả bình ổn
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, trước Rằm tháng Giêng vài ngày, các điểm chợ truyền thống đã tấp nập các mặt hàng hóa phục vụ nhu cầu cúng lễ của người dân. Theo các tiểu thương tại đây, giá cả thực phẩm có tăng nhẹ so với ngày thường, tuy nhiên đã giảm so với dịp Tết Âm lịch.
Với các thực phẩm tươi sống, gà được bán với giá 120.000 - 170.000 đồng/kg. Mặt hàng thịt lợn như ba chỉ, móng giò, sườn... dao động ở mức từ 120.000 - 160.000 đồng/kg, thịt bò các loại có giá từ 220.000 - 300.000 đồng/kg, giảm từ 5.000 đồng - 10.000 đồng/kg so với Tết.
Ngoài thực phẩm tươi sống, mặt hàng hoa quả cũng ghi nhận sức mua tăng mạnh. Theo chị Lan, chủ cửa hàng hoa quả tại chợ 230 (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Táo, xoài, thanh long, cam là một số loại quả khách mua nhiều. Xoài có giá 50.000 - 80.000 đồng/kg, cam sành 35.000 đồng - 50.000 đồng/kg, thanh long 60.000 đồng - 75.000 đồng/kg. Giá có tăng nhẹ nhưng đã giảm so với Tết”.
Cũng có dấu hiệu "hạ nhiệt", giá các loại hoa đã giảm từ sau Tết Nguyên đán. Một số loại hoa được người dân lựa chọn như hoa hồng có giá 10.000 đồng/bông, hoa ly giá 35.000 đồng/cành, hoa cúc giá 6.000 đồng/bông...
Đặc biệt, mặt hàng cau, trầu hút khách và có giá tăng mạnh, tương đương so với dịp Tết, từ 15.000 - 25.000 đồng/nhánh. Bên cạnh trầu cau, vàng mã cũng đang tiêu thụ tốt. Nắm bắt nhu cầu của khách hàng, các tiểu thương cũng lựa chọn những mặt hàng đẹp mắt, trang trí cầu kỳ để người mua lựa chọn bày biện trên ban thờ.
Mua đồ lễ Rằm vào chiều ngày 14/1 âm lịch, chị Nguyễn Thanh Bình chia sẻ: “Năm nay các mặt hàng đa dạng, mẫu mã phong phú, đẹp mắt khiến tôi lựa chọn cũng dễ dàng hơn. Ngày Rằm tháng Giêng là dịp lễ đặc biệt, nên dù giá cả có đắt hơn ngày thường thì cũng không cần quá so đo, quan trọng là mâm cơm cúng phải đầy đủ, tươm tất”.
Không chỉ tại các chợ truyền thống, các hệ thống siêu thị như Winmart, Aeon, Fuji Mart... cũng bày bán nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chay như chả cốm, giò lụa, nem chay,... đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Nhộn nhịp “order” mâm cỗ chay
Ngoài mâm cỗ cổ truyền, mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng cũng được nhiều người quan tâm. Trên mạng xã hội, các dịch vụ làm mâm cỗ chay thịnh soạn được nhiều người lựa chọn.
Dịch vụ nấu cỗ chay được nhiều người quan tâm với đa dạng các món được trình bày đẹp mắt
Các mâm cỗ chay đa dạng các món như rau củ luộc, nem chay, xôi, miến xào, món cuốn, canh rau củ,... Giá của một mâm cỗ dao động từ 400.000 - 700.000 đồng/mâm, tùy theo nhu cầu của người đặt.
Chị Hoa, chủ cơ sở nấu cỗ tại quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, chị nhận được hơn 20 đơn làm cỗ chay cho ngày Rằm tháng Giêng, bên cạnh đó còn nhiều đơn đặt các món chay lẻ. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, chị không đưa ra menu cố định mà để khách hàng tự lựa chọn mâm cỗ theo ý mình. Ngoài chất lượng, hình thức các mâm cỗ chay cũng được đảm bảo hài hòa, bắt mắt.
Bên cạnh đó, các mâm lễ ngọt, mâm lễ được bài trí đẹp mắt kết hợp giữa hoa tươi và trái cây cũng trở nên đắt hàng trên “chợ mạng” dịp Rằm tháng Giêng năm nay.
Mâm lễ ngọt thường kết hợp các loại bánh như bánh trôi nước liên hoa, bánh bao đào tiên với các loại hoa như hoa sen quan âm gấp cánh nghệ thuật, hoa cau, hoa bưởi… có giá từ 250.000 đồng đến cả triệu đồng, tùy theo loại trái cây và hoa tươi khách hàng lựa chọn.
Theo phong tục, cúng Rằm tháng Giêng là một trong những nghi lễ cúng Rằm lớn trong năm. Vì vậy trong ngày này, người dân cũng mong muốn chuẩn bị mâm cơm cúng chu đáo, đầy đủ với mong muốn một năm mới bình an, tài lộc.
Theo Congthuong.vn