Khảo sát tại các khu chợ lớn trên địa bàn Hà Nội, như chợ Nhà Xanh, Đồng Xuân, Dịch Vọng (chợ sinh viên), hay các khu phố quần áo như Chùa Bộc, Kim Mã, Quán Thánh… thị trường đồ bơi đang trong thời kỳ “sôi động” với đủ các loại áo tắm, đồ bơi được gắn đủ nhãn mác, màu sắc, giá cả khác nhau.
Bát nháo đồ tắm “3 không”
Chị Nguyễn Thị Đồng - chủ ki ốt bán đồ đi biển tại chợ Dịch Vọng, chia sẻ: “Các mặt hàng đồ bơi bắt đầu bán chạy từ cuối tháng 5. Năm nay hàng về nhiều, đặc biệt là áo tắm với mẫu mã đa dạng, vừa đẹp vừa rẻ, khách mua cũng đông hơn năm trước. Bình quân cửa hàng tôi bán được từ 15 - 30 bộ/ngày. Giá cả tùy thuộc vào chất liệu và kiểu dáng, phổ biến từ 60.000 - 150.000 đồng/bộ”.
Các phụ kiện đi kèm áo tắm như mũ, kính, trang sức, giày dép, khăn khoác ngoài bikini cũng được bán tràn lan, với mức giá dao động từ 100.000 - 300.000 đồng/sản phẩm.
Đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, giá cả nhưng các mặt hàng đồ bơi trôi nổi đều có một điểm chung là… nhiều “không”: không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không hạn sử dụng...
Các mặt hàng đều được treo biển “đại hạ giá”, với những quảng cáo có cánh, cùng những khẳng định như “đinh đóng cột” về chất lượng. Tuy nhiên, khi được hỏi về độ an toàn và chất lượng của các sản phẩm, hầu hết các chủ cửa hàng đều lảng tránh hoặc trả lời qua loa.
Chị Đặng Việt Trinh - chủ cửa hàng bikini trên phố Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa, Hà Nội), chia sẻ: “Giá bikini chất lượng thường có giá trên 300.000 đồng/bộ, như hàng đồ Thái Lan 400.000 - 1.200.000 đồng/bộ, Hàn Quốc 250.000 - 900.000 đồng/bộ, hàng Việt 250.000 - 400.000 đồng/bộ… Kể cả hàng Trung Quốc cũng phải 200.000 đồng/bộ trở lên. Cùng mẫu mã, nhưng giá chỉ trên dưới 100.000 đồng thì chất lượng chắc chắn không cao. Tiền nào thì của đấy mà!”.
Tuy nhiên, không chỉ tại các chợ, mà ngay tại nhiều cửa hàng trên các phố thời trang cũng kinh doanh các mặt hàng kém chất lượng. Bên cạnh việc đem lại lợi nhuận cao, thì nhu cầu của khách hàng với đồ rẻ cũng là lý do khiến các cửa hàng nhập đồ lậu, đẩy thị trường đồ đi biển vào thế hỗn loạn.
“Gia đình mình vừa đi Đồ Sơn. Vì nghĩ cả năm mới đi biển một lần, nên mình chọn mua áo tắm giá rẻ cho tiết kiệm, các năm trước cũng thế. Dù đã xác định là chất lượng sẽ không cao, nhưng mình không ngờ lại gây hại đến thế. Chỉ trong hai ngày mặc, cả gia đình mình bị dị ứng, da mẩn đỏ, nặng nhất là hai bé. Giờ mình thề tránh xa các loại đồ trôi nổi, tiết kiệm được vài đồng lại thành bệnh tật”, chị Hà Thúy Anh (phố Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ.
Càng đẹp càng… độc
PGs.Ts. Nguyễn Duy Thịnh - Viện Sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho biết: “Hầu hết các mặt hàng quần áo bán trôi nổi trên thị trường với xuất xứ, nhãn mác không rõ ràng đều là hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, được nhập với giá rất rẻ (chủ yếu tại thị trường Trung Quốc). Các loại quần áo trôi nổi thường chứa nhiều hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất và nhuộm vải. Càng có nhiều màu sắc sặc sỡ, bắt mắt thì càng có nguy cơ độc hại cao”.
Theo lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, các năm trước và trong thời gian qua, đã có nhiều trường hợp bán đồ đi biển kém chất lượng bị thu giữ và xử phạt. Trong đó, có nhiều trường hợp áo tắm có chứa các chất độc hại như NPE (dùng trong tẩy rửa, dệt nhuộm) phát hiện trong quần áo Trung Quốc, có thể gây hại cho hệ thần kinh, rối loạn hoóc môn và gây ra các bệnh về da liễu...
Các nguy cơ về sức khỏe đòi hỏi người dân cần cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi lựa chọn mua đồ khi đi du lịch biển. Cần lựa chọn những cửa hàng có uy tín, bán hàng chất lượng cao. Đặc biệt, cần loại bỏ ngay tâm lý “ham rẻ” để tránh hậu họa về sức khỏe cho bản thân và người thân trong gia đình.
“Nếu chịu khó tìm hiểu và lựa chọn, khách hàng vẫn có thể mua được những bộ đồ có chất lượng với giá cả không quá cao, tại những cửa hàng uy tín. Mua đồ tốt có giá cao hơn, nhưng chất lượng tốt hơn và sử dụng được lâu hơn. Vì vậy, người dân cần cân nhắc, không nên ham rẻ để tự rước bệnh vào thân”, đại diện Đội QLTT Hà Nội nhận định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, ngoài cảnh giác với các loại đồ đi biển kém chất lượng, người dân cần cẩn trọng với các mối nguy khác khi đi du lịch biển, như vi khuẩn dị ứng, các loài cá độc và đặc biệt là đuối nước.
Theo Hiến Nguyễn/thời báo kinh doanh