Sản phẩm trong nước chiếm ưu thế
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, vẫn như các năm, hàng Việt ngày càng chiếm ưu thế và sự tin dùng của khách hàng. Trên các kệ bày bán đồ dùng học tập tại các hiệu sách lớn, các mặt hàng "nội" chiếm phần lớn.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết: "Do các doanh nghiệp trong nước đã chú trọng tới việc thiết kế, giá hợp lý, nên so với thời điểm cách đây 2 năm, các sản phẩm đồ dùng học tập sản xuất trong nước ngày càng chiếm ưu thế trên thị trường, chiếm tỷ lệ tới 80%. Hiện các mặt hàng như vở viết, bút viết, thước kẻ, ba lô… được bán tại Big C chủ yếu là do các doanh nghiệp trong nước sản xuất...”.
Không chỉ vậy, các sản phẩm Việt Nam với nguồn hàng được chuẩn bị khá phong phú, mẫu đẹp, giá hợp lý còn cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Thái Lan, Nhật Bản, Singapore. Đơn cử, sản phẩm ba lô chống gù lưng của Nhật Bản có giá 1,19-2,35 triệu đồng/chiếc; trong khi đó, sản phẩm tương tự của doanh nghiệp trong nước sản xuất có giá 425.000-650.000 đồng/chiếc.
Để thu hút người tiêu dùng, các nhà sản xuất như Thiên Long, Bến Nghé, Hồng Hà, Vĩnh Tiến… đã đầu tư cải tiến mẫu mã, chất lượng đồ dùng học tập, thiết bị trường học, nhưng vẫn giữ mức giá bán ổn định.
Chị Nguyễn Hồng Ngọc, nhân viên cửa hàng văn phòng phẩm trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Hàng Việt Nam hiện rất đa dạng, mẫu mã đẹp. Các loại giấy vở trong nước sản xuất có độ trắng, độ sáng cao, chất lượng giấy tốt, bắt nét; đặc biệt là giúp học sinh đỡ mỏi mắt, chống lóa khi sử dụng...
Chị Vũ Thu Hằng (ở số 12A05, chung cư Park Hill Times City, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: “Năm nay con gái tôi lên lớp 2 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Sách giáo khoa và đồng phục tôi đặt mua ở trường, còn các đồ dùng học tập khác tôi thường mua của các thương hiệu trong nước như Campus, Thiên Long... vì hàng Việt bảo đảm chất lượng, giá phù hợp”.
Bên cạnh việc bảo đảm đầy đủ và phong phú số lượng, các doanh nghiệp Việt còn đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Ông Trương Quang Luyến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Văn phòng phẩm Hồng Hà cho biết, từ đầu tháng 4-2019, công ty đã chuẩn bị một lượng lớn sản phẩm đồ dùng học tập. Ngoài việc bảo đảm tiêu chí bền, đẹp, chất lượng, sản phẩm của Hồng Hà còn hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, như: Đèn chống cận thị, hộp bút làm từ nguyên liệu nhựa không độc hại...
Cũng như mọi năm, mùa tựu trường năm nay, hệ thống siêu thị Co.opmart trên cả nước áp dụng giảm giá mạnh hơn 2.000 sản phẩm đồng phục học sinh, dụng cụ học tập. Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông cho biết, hệ thống siêu thị đã phối hợp với các đối tác triển khai từ rất sớm nhằm chủ động về nguồn hàng, kiểm soát chất lượng, mẫu mã và giá bán. Tương tự, hệ thống siêu thị Big C, Vinmart cũng giảm giá sâu cho các mặt hàng phục vụ mùa khai trường.
Đáp ứng đủ nhu cầu sách giáo khoa
Học sinh chọn mua sách giáo khoa trước thềm năm học mới.
Cùng với các đồ dùng học tập, sách giáo khoa cũng được các phụ huynh đặc biệt quan tâm. Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, tại các cửa hàng sách đều niêm yết giá bán của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, giúp phụ huynh dễ dàng lựa chọn.
Ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết: “Nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của học sinh, không để xảy ra tình trạng khan hiếm sách, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên, các đối tác chuẩn bị đầy đủ, đồng bộ sách giáo khoa và các sản phẩm giáo dục, cung ứng khoảng 110 triệu bản sách giáo khoa. Riêng tại khu vực Hà Nội đã phát hành khoảng 10 triệu bản sách giáo khoa. Các đơn vị phải niêm yết đầy đủ bảng giá, đồng thời tổ chức các chương trình khuyến mãi phục vụ tốt nhất nhu cầu của học sinh”.
Đáng chú ý, từ ngày 30-3-2019, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã công bố giá sách giáo khoa dành cho năm học 2019-2020. Theo giá mới, mức chênh lệch so với giá cũ cũng không nhiều, chỉ 6.500-25.800 đồng/bộ (tùy theo lớp, cấp học).
Tuy nhiên, đối với sách tham khảo, do có nhiều nhà xuất bản cung cấp nên không ít phụ huynh phải cân nhắc trước khi mua sách cho con. Chị Tô Ngọc Lan (ở số 6, ngõ 318, Yên Phụ, quận Tây Hồ) cho biết: “Tôi đặt mua bộ sách giáo khoa lớp 4 cho con ngay tại trường. Còn sách tham khảo hiện có nhiều loại, nên tôi phải hỏi thêm giáo viên chủ nhiệm để mua bổ sung sau”.
Để bảo đảm chất lượng cung cấp trang thiết bị, sách giáo khoa phục vụ hoạt động dạy và học, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại khuyến cáo, phụ huynh và học sinh cần thận trọng với sách giả, nhất là sách tham khảo thường có chất lượng in xấu hơn và nguy hại nhất là có thể sai nội dung so với sách thật.
Gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý một số vụ in lậu sách giáo khoa. Điển hình, trong tháng 5 -2019, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện số lượng lớn sách của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam bị in lậu được tập kết tại một nhà kho thuộc huyện Hoài Đức (Hà Nội). Số hàng thu giữ tại đây gồm 40.000 đĩa tiếng Anh các loại, hơn 30.000 đầu sách là sách giáo khoa (tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5), sách bài tập (từ lớp 6 đến lớp 9) và sách tiếng Anh cùng nhiều sản phẩm khác…
Vì vậy, các phụ huynh nên mua sách giáo khoa, sách bổ trợ, đồ dùng học tập tại các nhà sách, cửa hàng uy tín, tránh mua sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Qua đó, góp phần giúp học sinh có một năm học mới đạt kết quả học tập, rèn luyện tốt nhất.
Theo Báo Hà Nội Mới