Nhiều tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 có thể đạt từ 2,1 đến 2,8% (tăng nhẹ so với dự báo đưa ra từ đầu năm), nhưng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng năm 2022. Trong khi đó, giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới có xu hướng giảm khá mạnh, đặc biệt là giá các mặt hàng năng lượng, phân bón... Tốc độ mở rộng thương mại năm 2023 được dự báo vẫn ở mức dưới trung bình do bị ảnh hưởng nặng nề bởi xung đột ở Ukraine, lạm phát cao dai dẳng, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và bất ổn tài chính có nguy cơ xuất hiện.
Trước bối cảnh đó, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết quan trọng và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện một cách quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra. Cùng với đó, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thách thức...
Những giải pháp kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho kinh tế-xã hội Việt Nam sáu tháng đầu năm đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.
Các ý kiến tại Hội thảo đã tập trung phân tích rõ hơn diễn biến của thị trường, giá cả những tháng đầu năm, những yếu tố cơ bản, nguyên nhân chủ yếu tạo nên bức tranh thị trường dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn cũng như những cơ hội và thách thức đặt ra cho thị trường, giá cả thời gian tới.
Hội thảo được tổ chức thành hai phiên. Trong đó, phiên thứ nhất tập trung phân tích, thảo luận về diễn biến thị trường, chỉ số giá tiêu dùng ở Việt Nam sáu tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023; phiên thứ hai tập trung phân tích, thảo luận về diễn biến thị trường và giá cả một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá cả chung ở Việt Nam năm 2023 như: Điện, xăng dầu, thịt lợn, bất động sản...
Theo Nhandan