Tại một làng giầy da truyền thống thuộc xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), nếu nhiều năm trước, thời điểm này thường tấp nập những tiểu thương, các cơ sở phân phối lớn tại nội thành Hà Nội về chọn lựa và đặt mẫu. Thì hiện tại, số lượng đặt hàng đếm trên đầu ngón tay. Các cơ sở sản xuất tại đây chỉ làm theo những đơn đã được đặt hàng từ trước đó. Nguyên nhân được nhiều chủ cơ sở cho rằng, năm nay thời tiết chưa thực sự lạnh nên hàng hóa cũng bán chậm và “người ta” ít đến mua, đặt hàng là điều dễ hiểu. Mặc dù sản phẩm đã được sản xuất rất nhiều, tuy nhiên, khách lẻ và khách buôn không thật sự đông đúc như mọi năm.
“Năm nay, có thể do thời tiết chưa lạnh mà số lượng người mua hàng rất hạn chế. Nếu mọi năm, ngoài những đơn đặt hàng của các nhà phân phối lớn thì các tiểu thương bán lẻ, bán tại đại lý về thu mua rất đông. Thời điểm này mọi năm cơ sở của tôi nhân công làm không hết việc, thậm chí còn từ chối nhiều đơn hàng. Nhưng năm nay thì mức độ đặt hàng không được tốt cho lắm. Nhân công vừa làm vừa chơi”. – Ông Nguyễn Sáng, chủ một cơ sở sản xuất giầy da tại làng nghề truyền thống này cho biết.
Chung quan điểm với ông Sáng, ông Hữu Thanh, chủ một cơ sở khác cũng nói: “Năm nay, hàng ế ẩm hơn mọi năm, thị trường bán lẻ và bán buôn cũng chậm chứ không nói đến các đơn đặt hàng số lượng lớn. Mặc dù, vẫn có thị phần xuất khẩu ra nước ngoài nhưng không đáng kể. Nếu trời lạnh thì chắc bán được hơn. Vì giầy dép khác với quần áo, họ chỉ mua khi thực sự cần.”
Tại làng giầy da truyền thống thuộc xã Phú Yên - Phú Xuyên (Hà Nội) hàng hóa đã được sản xuất rất nhiều tuy nhiên khách mua vẫn thưa thớt. Nguyên nhân được nhiều chủ cơ sở sản xuất cho rằng trời chưa thực sự lạnh.
Trao đổi với Chất lượng Việt Nam, một lãnh đạo làng nghề truyền thống tại xã Phú Yên cho rằng:Cũng một phần do mức độ cạnh tranh mà năm nay giầy da truyền thống bán chậm hơn các năm trước. Vì làng nghề phải cạnh tranh với không chỉ các công ty lớn sản xuất trong nước mà cả các công ty nước ngoài. Hiện nay, người dân cũng chuộng hàng ngoại, hàng có thương hiệu. Dù rằng, chất lượng vẫn tương đương và không hề thua kém, nhưng nghe chừng sản phẩm của làng nghề vẫn chưa thực sự tạo nên nét riêng. Chúng tôi cũng đang cố gắng tìm kiếm hướng đi để sản phẩm làng nghề truyền thống chiếm lĩnh được thị phần".
Giá một đôi giầy da cho nam giới tại làng nghề truyền thống xã Phú Yên dao động từ 200.000 – 800.000 đồng tùy chất liệu, mẫu mã. Thậm chí, có nhiều đôi giá cao hơn. Giầy vải và giầy dành cho trẻ em, phụ nữ thì có giá thấp hơn.
Giá một đôi giầy da cho nam giới tại làng nghề truyền thống xã Phú Yên dao động từ 200.000 – 800.000 đồng tùy chất liệu, mẫu mã. - Ảnh Nguyễn Hùng
Không chỉ tại làng nghề mà tại nhiều công ty sản xuất lớn trên đại bàn Hà Nội năm nay, thị trường giầy dép cũng tiêu thụ chậm so với cùng kì các năm trước. Anh Nguyễn Thành Nam (Phòng Marketing một công ty sản xuất giầy dép trên đường Nguyễn Trãi) phân tích: Hiện giờ một đôi giầy tốt họ có thể đi được vài năm. Trong khi đó, giầy có thể sử dụng cho cả mùa đông và mùa hè. Nên việc thị trường năm nay chậm cũng là một điều dễ hiểu. Hơn hết, bây giờ người dân mức thu nhập cũng cao lên đáng kể, họ thường hướng đến những thương hiệu quốc tế. Vì giầy dép bây giờ không còn là mặt hàng sử dụng với mục đích giữ ấm và chọn lựa chất liệu bền nữa. Mà nhiều người hướng đến việc thời trang. Thế nên, họ mua liên tục chứ không cứ gì mùa đông mới mua. Thậm chí còn chạy theo mốt từng năm. Năm nay, công ty mình đã có chương trình khuyến mãi tháng 10 chào đông giảm 30%. Nhưng, tháng 10 vừa qua, tổng kết doanh thu vẫn chưa đạt được như mong muốn. Thậm chí, còn thấp hơn nhiều tháng không khuyến mãi trước đó.
Theo khảo sát của Phóng viên, lượng hàng hóa dành cho thị trường giầy da mùa đông khá đa dạng, đủ chất liệu và mẫu mã. Một số mặt hàng bán chạy là giầy lười, giầy vải, hay giầy thể thao. Những mặt hàng chưa thực sự được người dân quan tâm như bốt, giầy lông thú, hay giầy cao cổ. Khách hàng mua chủ yếu là vẫn là thanh niên.
Chị Thanh Hương, chủ một cửa hàng giầy dép trên phố Trương Định cho biết: Lượng mua những ngày đầu đông này không nhiều. Nếu mọi năm khoảng thời gian này, cửa hàng chị mỗi ngày bán được trên 200 đôi các loại thì năm nay số lượng này giảm còn một nửa. Khách vẫn có nhưng họ chủ yếu là tham quan và khảo giá. Giá thì cũng như mọi năm, không tăng. Thậm chí, thời gian này cửa hàng chị còn đang áp dụng khuyến mãi 60% cho mặt hàng tồn kho và trẻ em để kích cầu. Nhưng mọi người cũng không mấy mặn mà.
So với các mặt hàng khác, mặt hàng giầy dép dường như đang kém cạnh tranh và không có sức hút. Mong rằng, đầu tuần này, khi gió mùa đông bắc mạnh về, Miền Bắc trở lạnh, thị trường giầy dép sẽ khởi sắc và hàng Việt nói chung, mặt hàng làng nghề truyền thống nói riêng cũng sẽ bán chạy như các mặt hàng khác.
Nguồn VietQ