Giá dầu thô WTI giao dịch quanh mốc 75 USD/thùng
Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), kết thúc tuần giao dịch ngày 10/07 – 16/07, giá dầu tăng mạnh 3 trong tổng số 5 phiên, được hỗ trợ bởi hàng loạt báo cáo từ các Tổ chức lớn dự báo về tình hình thâm hụt trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, dữ liệu lạm phát tích cực của Mỹ trong tháng 6 cũng giúp thúc đẩy lực mua trên thị trường.
Giá dầu WTI chốt tuần với mức giá 75,42 USD/thùng, tăng 2,11% so với mốc tham chiếu tuần trước đó. Giá dầu Brent tăng 1,78%, đóng cửa sát mốc 80 USD/thùng.
Sang ngày 17/7, kết thúc phiên giao dịch, tất các 5 mặt hàng trên nhóm năng lượng đồng loạt đóng cửa trong sắc đó. Trong đó, giá của cả hai mặt hàng dầu thô đều giảm hơn 1,5%, và là phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 1,68% xuống 74,15 USD/thùng và giá dầu Brent giảm 1,72% xuống 78,5 USD/thùng.
Đến ngày 18/07, các mặt hàng trong nhóm năng lượng đồng loạt tăng giá. Giá khí tự nhiên dẫn đầu với mức tăng 4,66% lên 2,63 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, cắt đứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp, được hỗ trợ bởi tiêu thụ điện tăng cao trước các đợt nắng nóng tại Mỹ, đặc biệt là bang Texas. Hội đồng Điện của bang này cho biết nhu cầu đã đạt kỷ lục trong 2 ngày đầu tuần.
Trên thị trường dầu thô, giá dầu tăng trở lại sau 2 phiên giảm trước đó khi rủi ro về nguồn cung tiếp tục thúc đẩy lực mua. Giá dầu WTI kỳ hạn tháng 9 kết phiên tăng 2,13% lên mức 75,66 USD/thùng và dầu Brent đóng cửa lại mức giá 79,63 USD/thùng, tương đương mức tăng 1,44%.
Những lo ngại về nguồn cung thu hẹp đã tiếp tục kéo giá dầu tăng trong nửa phiên đầu ngày 19/07, nhưng giá đã bất ngờ đảo chiều trong nửa cuối phiên còn lại sau báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA). Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 0,49% xuống 75,49 USD/thùng và dầu Brent giảm 0,21% xuống 79,46 USD/thùng.
Đến phiên cuối tuần, dầu thô ghi nhận một phiên biến động giằng co trong phiên giao dịch. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 0,48% lên mức 75,65 USD/thùng. Dầu Brent chốt phiên với mức giá 79,62 USD/thùng, tăng 0,2% so với phiên trước đó.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau khi chấm dứt các biện pháp hạn chế COVID-19 đã không đạt được kỳ vọng. Nhập khẩu dầu của nước này so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần một nửa trong tháng 6, nhưng đồng thời mức dự trữ cũng tăng lên gần mức cao nhất mọi thời đại.
Trong tháng 6, Trung Quốc đã nhập khẩu 10,50 triệu tấn dầu từ Nga, tương đương 2,56 triệu thùng/ngày, tăng 44% so với cùng kỳ 2022 và đạt mức kỷ lục. Các lô hàng nhập khẩu từ Saudi Arabia đạt tổng cộng 7,92 triệu tấn trong tháng trước, tương đương 1,93 triệu thùng/ngày, cũng tăng 12% so với mức trong tháng 5.
Nhu cầu nhập khẩu dầu của Trung Quốc vẫn gia tăng mạnh mẽ, đã hỗ trợ cho giá dầu trong bối cảnh rủi ro thâm hụt nguồn cung giai đoạn nửa cuối năm.
Bên cạnh đó, việc bán dầu dự trữ của Mỹ cho Trung Quốc có thể bị ngăn chặn trong dự luật quốc phòng, cũng thúc đẩy cho đà tăng của giá dầu. Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật sửa đổi vào hôm qua ngày 20/07, tương tự như một dự luật đã được Hạ viện thông qua vào tháng Giêng, sẽ cấm bán dầu của Mỹ từ kho dự trữ sang Trung Quốc. Phiên bản của Thượng viện cũng cấm bán dầu cho Nga, Triều Tiên và Iran.
Rủi ro gián đoạn nguồn cung cũng gia tăng khi Liên minh Châu Âu (EU) quyết định vào ngày 20/07 rằng sẽ gia hạn các biện pháp hạn chế đối với Nga thêm 6 tháng nữa cho đến ngày 31/01/2024, theo thông cáo báo trí được đăng trên trang web của Hội đồng châu Âu. Các biện pháp trừng phạt bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó bao gồm việc cấm nhập khẩu hoặc vận chuyển dầu thô bằng đường biển và một số sản phẩm dầu mỏ từ Nga sang EU trên mức trần giá đã được thông qua kể từ cuối năm ngoái.
Nhìn chung, trong bối cảnh tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ không chắc chắn, lo ngại về tình hình cung ứng trên thị trường dầu vẫn đang là yếu tố chính hỗ trợ cho giá dầu.
Giá cà phê diễn biến trái chiều
Vào đầu tuần, giá cà phê Arabica dẫn đầu đà suy yếu của toàn thị trường với mức giảm 3,11% xuống 3.434,8 USD/tấn. Nguồn cung dần khởi sắc đang đưa đến triển vọng tích cực hơn cho hoạt động xuất khẩu cà phê tại Brazil, quốc gia cung ứng Arabica lớn nhất thế giới trong thời gian tới. Hiện tiến độ thu hoạch cà phê tại Brazil tiếp tục được đẩy nhanh nhờ điều kiện thời tiết khô ráo, kết hợp cùng dự báo sản lượng cà phê Arabica sẽ gia tăng trong năm 2023 tại quốc gia này, giúp thị trường đánh giá tích cực hơn về nguồn cung. Đây cũng là cơ sở để nông dân Brazil đẩy mạnh bán cà phê vụ mới trong nửa cuối năm 2023.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, giá cà phê Robusta khởi sắc với mức tăng nhẹ 0,47%. Tồn kho Robusta trên Sở ICE giảm sâu khiến thị trường lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn cung quay lại. Tồn kho Robusta trên Sở ICE kết thúc ngày 13/07 ở mức 54.220 tấn, thấp nhất kể từ 2016. Cùng với đó, việc xuất khẩu cà phê tương đối chậm tại Việt Nam, nhà cung cấp Robusta lớn nhất thế giới trong nửa đầu năm 2023 vẫn tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá. Ước tính, lượng cà phê xuất khẩu 6 tháng đầu năm của nước ta giảm 3% so với cùng kỳ năm 2022.
Đến cuối tuần, giá cà phê Arabica bật tăng gần 2% so với tham chiếu, tương đương mức tăng 2,55 cents/pound trong phiên hôm qua. Nông dân Brazil vẫn hạn chế bán cà phê vụ mới do giá chưa cao như kỳ vọng.
Công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết, Tính đến ngày 11/7, quốc gia cung ứng cà phê lớn nhất thế giới đã bán 30% sản lượng cà phê Arabica dự kiến, thấp hơn 9 điểm % so với mức 39% của cùng kỳ niên vụ 2022/23 và trung bình 5 năm trước.
Trong khi đó, giá Robusta quay đầu giảm mạnh gần 3%, đưa giá giao dịch hiện tại về mức 2.536 USD/tấn. Nông dân Brazil sẵn sàng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê Robusta khi giá đang ở mức cao trong bối cảnh xuất khẩu tại Việt Nam vẫn tương đối chậm, giúp hạn chế những lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường.
Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE) cho biết, tính đến ngày 19/7 quốc gia này đã vận chuyển được 215.644 bao cà phê Robusta dạng hạt, gấp 2,62 lần lượng cà phê Robusta xuất khẩu trong cùng kỳ tháng trước và cao hơn 47% tổng lượng Robusta đã vận chuyển trong tháng 7 năm 2022.
Tại Việt Nam, quốc gia sản xuất Robusta số 1 thế giới, Tổng cục Hải quan Việt Nam mới đây cho biết, cả nước đã vận chuyển 31.607 tấn cà phê trong nửa đầu tháng 7, chỉ bằng 46% lượng cà phê xuất khẩu trong cùng kỳ tháng trước và thấp hơn 46% so với lượng hàng vận chuyển trong cùng kỳ năm trước.
Hơn nữa, lũy kế xuất khẩu cà phê từ đầu năm tính đến hết ngày 15/7 ở mức 1,04 triệu tấn, giảm 3,78% so với mức 1,08 triệu tấn trong cùng kỳ năm 2022. Điều này làm gia tăng lo ngại lo ngại nguồn cung cà phê ở mức thấp.
Nhóm nông sản tăng thấp
Giá ngô đóng cửa giảm 1,22%. Trong khi đó, lúa mì Chicago giảm nhẹ 0,1%. Cùng với đó, giá đậu tương quay đã đầu giảm nhẹ, kết thúc chuỗi 5 phiên tăng liên tiếp. Tâm lý giằng co đã áp đảo thị trường ngay từ khi mở cửa và khiến giá đi ngang phía trên, dao động quanh mức 516 USD/tấn.
Theo dữ liệu Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương từ Brazil của nước này trong tháng 06 đạt 9,53 triệu tấn, tăng 31,6% so với mức 7,24 triệu tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 29,7 triệu tấn đậu tương từ Brazil. Việc Trung Quốc đẩy mạnh mua hàng là do giá đậu tương từ quốc gia Nam Mỹ này hấp dẫn hơn nhờ vụ thu hoạch kỷ lục. Trong tháng 06, Trung Quốc chỉ nhập khẩu 527.586 tấn đậu tương từ Mỹ, giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiệp hội Công nghiệp Dầu thực vật Brazil (Abiove) mới đây đã nâng ước tính sản lượng đậu tương năm nay của nước này lên mức 156,5 triệu tấn, tăng 0,5 triệu tấn so với dự báo trước. Bên cạnh đó, Brazil được dự báo sẽ xuất khẩu 97,5 triệu tấn đậu tương trong năm 2023, cao hơn so với mức 97 triệu tấn ước tính được Abiove đưa ra trước đó. Điều này cho thấy nhu cầu đối với đậu tương từ Brazil đã có sự cải thiện đáng kể trong năm nay.
Trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), bán hàng đậu tương niên vụ 2022/23 mặc dù tăng gần 60% so với tuần trước, tuy nhiên vẫn nằm trong khoảng dự đoán của các chuyên gia nên sẽ không phải là yếu tố quá bất ngờ. Trong khi đó, bán hàng đậu tương niên vụ 2023/24 cũng đã ghi nhận mức tăng mạnh 263% lên mức 760.000 tấn, vượt khoảng dự đoán của thị trường, cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đã có sự cải thiện trong ngắn hạn.
Theo Congthuong.vn