Hiện nay, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN đã giảm xuống còn 0% và theo cam kết mà VN đã ký tại Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), sau từ 7-10 năm nữa, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về VN sẽ giảm dần về 0%.
Như vậy, tới năm 2030, VN sẽ là thị trường lý tưởng cho các trung tâm sản xuất ô tô lớn trên thế giới bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU.
Xe nhập khẩu tăng nhưng giá giảm chưa như kỳ vọng
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 9/2019, tổng số ô tô nguyên chiếc các loại nhập khẩu là 109.000 chiếc với tổng giá trị đạt 2,4 tỷ USD, tăng 167% về lượng và tăng 157% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ASEAN là khu vực Việt Nam nhập khẩu ô tô nhiều nhất, chiếm tới hơn 80% tổng lượng ô tô nhập khẩu. Theo dự báo từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nhập siêu ngành ô tô năm 2019 sẽ đạt mức kỷ lục với hơn 3,4 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, khi nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao.
Mặc dù từ 01/01/2018, thuế nhập khẩu xe các loại từ ASEAN đã giảm về 0%, tuy nhiên tính đến nay, giá các dòng xe tại Việt Nam không giảm rõ rệt. Lý giải về điều này, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện nay chúng ta mới chỉ giải quyết vấn đề về mặt kinh tế và thuế mà chưa giải quyết được vấn đề cốt lõi đó là cơ sở hạ tầng. Một chiếc ô tô mua về muốn lăn bánh được trên đường thì phải nộp 11 loại thuế và phí, trong khi đó, thuế nhập khẩu chỉ là một yếu tố và khi yếu tố này giảm thì những yếu tố khác lại tăng lên. Bên cạnh đó, định hướng phát triển của chúng ta còn mâu thuẫn, Bộ Công Thương (đơn vị chủ trì trong chiến lược phát triển công nghiệp ô tô) thì tạo mọi điều kiện để ngành công nghiệp ô tô phát triển nhưng hạ tầng giao thông trong nước lại phát triển không kịp, trong khi ngành Tài chính thì lại luôn có xu hướng tăng chính sách thuế và phí. Đây chính là lý do vì sao khi thuế nhập khẩu ô tô đã về 0% nhưng giấc mơ mua được xe giá rẻ của người tiêu dùng Việt lại chưa trở thành hiện thực.
9 tháng năm 2019, tổng giá trị xe nhập khẩu đạt 2,4 tỷ USD
Xe trong nước yếu thế
Việc xe ô tô được nhập khẩu ồ ạt vào thị trường VN trong thời gian qua đã khiến xe ô tô lắp ráp trong nước gặp không ít khó khăn. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tính đến hết tháng 9/2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 13% trong khi xe nhập khẩu tăng 150% so với cùng kì năm ngoái.
Theo các doanh nghiệp, hiện tại hầu hết ô tô sản xuất lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa từ 10-20%, vì vậy vẫn có thể chịu tác động do thuế tăng. Chỉ những mẫu xe có tỷ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên mới được hưởng lợi nhiều và giá giảm. Tuy nhiên, để đạt được tỷ lệ nội địa hóa mức 40% trở lên không hề dễ dàng và phải mất nhiều thời gian.
Trong khi đó, xe nhập khẩu lại có mẫu mã phong phú, đa dạng, giá xe nhập khẩu từ ASEAN hiện đã giảm thấp, bình quân chỉ hơn 4.000 USD/chiếc (chưa có thuế). Vì vậy, các doanh nghiệp sẵn sàng hạ giá để nhập khẩu về Việt Nam cạnh tranh với xe trong nước. Thời gian tới, giá xe nhập khẩu có thể còn giảm nữa, vì vậy, nếu các doanh nghiệp ô tô trong nước không đẩy mạnh tăng nội địa hóa rất khó cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Xe nhập khẩu tăng mạnh
Làm sao để thị trường không rơi vào tay các nhà nhập khẩu?
Thị trường ô tô Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng, bởi hiện mới đạt khoảng 23 xe/1.000 dân. Với các FTA đã và sẽ ký, đến năm 2030, thị trường ô tô Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các trung tâm sản xuất ô tô lớn trên thế giới, bao gồm ASEAN, Nhật Bản, Mexico và EU. Trong khi đó, thu nhập của người dân đang ngày càng tăng và giai đoạn ô tô hóa sẽ diễn ra sau năm 2020. Vì vậy, tiêu thụ xe ô tô tại thị trường VN được dự báo sẽ tăng dần từ con số 300.000 chiếc/năm hiện nay lên 01 triệu chiếc/năm vào năm 2030. Bài toán đặt ra ở đây cho các nhà quản lý trong nước là phải làm thế nào để vừa thực thi tốt các cam kết, vừa đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, bảo vệ được ngành công nghiệp ô tô trong nước, đồng thời, đảm bảo quyền lợi của người dân.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước cần tăng cường liên doanh, liên kết và phát huy thế mạnh của từng bên. Khi nội địa chưa đủ dung lượng thì có thể sản xuất những phụ kiện mà mình có năng lực, có lợi thế để xuất khẩu. Tức là chúng ta nên tham gia dần vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô để học hỏi, nắm bắt công nghệ cốt lõi, sau đó chúng ta mới có thể phát triển tốt được ngành công nghiệp ô tô.
Cùng với đó, Nhà nước cần có những chính sách đồng bộ, chẳng hạn như ưu đãi thuế, miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất; hỗ trợ kinh phí chuyển giao công nghệ; hỗ trợ tín dụng đầu tư lãi suất thấp... cho các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp ô tô. Bên cạnh chính sách bảo hộ xe lắp ráp trong nước thì phải đi kèm với điều kiện tỉ lệ nội địa hóa đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này. Tất nhiên, các chính sách này phải phù hợp với điều kiện thực tế và thông lệ quốc tế để tạo ra một sân chơi, một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng. Đặc biệt, để người dân VN mua được ô tô với giá hợp lý thì chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô phải đi đúng hướng./.
Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đang đề xuất ban hành các chính sách mới tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh công nghiệp ô tô; Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm; Sửa đổi các chính sách về thuế, chú trọng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ. |
Minh Vũ