Thị trường rau, quả toàn cầu
Theo số liệu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO), năm 2017, nhập khẩu rau, quả của thế giới đạt khoảng 264,4 tỷ USD và ước tính đạt khoảng 270 tỷ USD năm 2018. Trong đó, các nước phát triển nhập khẩu khoảng 180 tỷ USD, các nước đang phát triển nhập khẩu khoảng 94 tỷ USD, còn lại là các nước kém phát triển, các nước vùng cận Sahara… Xuất khẩu rau, quả của Việt Nam hiện chiếm khoảng 1,4% tổng nhập khẩu của thế giới. Trong thập kỷ qua, Mexico đã định vị mình là thị trường cung cấp rau, quả chính cho Bắc Mỹ. Tây Ban Nha và Hà Lan là những nhà xuất khẩu quan trọng trong EU. Ma-rốc đã nổi lên như một nhà cung cấp rau tươi cho thị trường châu Âu.
Để có thể đáp ứng nhu cầu quanh năm của những loại rau, quả chỉ có theo mùa, phần lớn các nước đều phải nhập khẩu từ bán cầu còn lại. Quan điểm cho rằng, rau, quả thuận mùa có hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn là những trái cây trái mùa được ép cho ra trái bằng kỹ thuật cũng thúc đẩy các nhà cung ứng chuyển sang nhập khẩu rau, quả đúng mùa được bảo quản lạnh, từ đó, giúp thương mại quốc tế tăng nhanh hơn. Đây là cơ hội cho các nước sản xuất rau, quả như Việt Nam khi xuất khẩu các loại rau, quả nhiệt đới sang Bắc Mỹ, châu Âu và sang các nước ở phía Nam bán cầu.
Thị trường rau, quả tươi
Thị trường rau, quả tươi toàn cầu đang có cơ hội phát triển thuận lợi nhờ sự gia tăng của tầng lớp trung lưu với thu nhập khả dụng cao hơn, tốc độ đô thị hóa, thay đổi thói quen tiêu dùng và đặc biệt là trào lưu tăng cường thực vật tươi trong các bữa ăn cũng như xu hướng ăn chay. Xét về cả giá trị và khối lượng, phân khúc rau, quả tươi được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình nằm cao nhất trong giai đoạn từ nay đến năm 2022 do nhu cầu của thế giới đối với các sản phẩm tươi sống.
Những xu hướng chính trên thị trường này trong năm 2019 gồm có: Sự đa dạng của các sản phẩm rau, quả tươi được thương mại hóa; ưu thế của các sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu và xuất xứ hàng hóa rõ ràng; các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ bảo quản để giữ rau, quả tươi lâu trong khi vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm; xu hướng mua bán rau, quả tươi trên mạng...
Thị trường rau, quả chế biến
Thị trường rau, quả chế biến có giá trị khoảng 250 tỷ USD năm 2018 và dự kiến sẽ đạt khoảng 346 tỷ USD vào năm 2022 nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong vòng 5 năm. Nhu cầu đối với rau, quả chế biến tiếp tục tăng do khả năng đa dạng hóa danh mục sản phẩm giúp rau, quả chế biến trở nên dễ lựa chọn hơn đối với người tiêu dùng và các nhà kinh doanh thực phẩm.
Dự báo những yếu tố tác động chính đến phân khúc thị trường này gồm có: Nhu cầu đối với thực phẩm chế biến sẵn (tiện lợi) tăng cao; sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm; sự phát triển của các kênh phân phối hiện đại.
Tuy nhiên, một số cản trở đối với phân khúc này cũng được ghi nhận, gồm có: Những sự cố về an toàn thực phẩm dẫn đến việc phải thu hồi hàng loạt sản phẩm chế biến, sự phức tạp của chuỗi cung ứng và chi phí lưu kho, bảo quản cao. Các tên tuổi lớn trên thị trường rau, quả chế biến toàn cầu đã sử dụng các chiến lược khác nhau như sản phẩm mới, mở rộng, thỏa thuận, liên doanh, hợp danh, mua bán, sáp nhập để tăng tầm ảnh hưởng của mình trên thị trường.
Thị trường nước ép rau, quả
Thị trường nước ép rau, quả toàn cầu đạt khoảng 160 tỷ USD và dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5 - 6%/năm từ nay đến năm 2022. Những thay đổi trong thói quen tiêu dùng, nhất là quỹ thời gian cho ăn uống và công nghệ chế biến nước ép lạnh vượt trội là những nhân tố thúc đẩy phân khúc thị trường này.
Bắc Mỹ chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp toàn cầu do mức sống cao và các phong trào tuyên truyền trong lĩnh vực y tế được quan tâm. Điều này cũng tương tự tại khu vực châu Âu. Nhu cầu tăng đối với các lựa chọn lành mạnh trong khu vực đã thúc đẩy các nhà sản xuất phát triển sản phẩm tự nhiên hơn và tăng hàm lượng dinh dưỡng. Các nước như Bỉ, Pháp, Hà Lan, Anh và Đức là những nước tiêu thụ lớn nhất trên toàn cầu. Các quốc gia mới nổi trong khu vực như Ba Lan và các nước Trung Đông được dự đoán sẽ là doanh thu lớn trong tương lai gần với nhu cầu ngày càng tăng.
Dân số đông và tầng lớp trung lưu tăng lên nhanh chóng dự báo sẽ thúc đẩy châu Á - Thái Bình Dương trở thành một thị trường quan trọng cho các sản phẩm rau, quả chế biến và nước ép cũng như các chế phẩm từ nước ép rau, quả. Khu vực này đến nay vẫn ưu tiên sử dụng các chai nước ép có vỏ nhựa và giá thấp hơn. Những loại trái cây và nước ép được ưa chuộng ở khu vực này chủ yếu gồm xoài, táo, dứa và nước cam.
Thị trường rau, quả hữu cơ
Rau, quả hữu cơ đang trở thành một thị trường hấp dẫn nhờ mối quan tâm ngày càng lớn của người tiêu dùng đối với sức khỏe của chính họ và bảo vệ môi trường. Phân khúc này phát triển mạnh ở các nước có mức sống cao, nhưng tỷ lệ người tiêu dùng sản phẩm hữu cơ đang tăng nhanh tại châu Á. Theo ước tính của các công ty nghiên cứu thị trường lớn trên thế giới, tỷ trọng sản phẩm hữu cơ trong tổng sản lượng mua hàng đạt khoảng 2% ở Úc và 5% ở Hà Lan đến 9% ở Mỹ và 15% ở Thụy Điển.
Dự báo một số thị trường rau, quả lớn trên thế giới
Trung Quốc
Nhu cầu về trái cây chất lượng cao của Trung Quốc sẽ vẫn tăng mạnh, bất chấp tác động của căng thẳng thương mại Việt - Trung. Nhập khẩu các loại trái cây như táo và lê dự kiến sẽ tăng trong năm tài khóa 2018/2019. Nhu cầu đối với nho nhập khẩu cũng rất mạnh. Nếu Trung Quốc tăng thuế đối với các sản phẩm nguồn gốc từ Hoa Kỳ, táo, lê và nho của Mỹ dự kiến sẽ mất thị phần ở thị trường này.
Trung Quốc là nước sản xuất khoai tây lớn nhất thế giới với khoảng 25% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, giá khoai tây thấp đã khiến nông dân nước này chuyển sang trồng ngô, sản lượng năm nay chỉ còn khoảng 94 triệu tấn, giảm 2% so với vụ 2017/2018. Trung Quốc cũng tăng đầu tư cho chế biến với sản lượng khoai tây đông lạnh cắt khúc tăng 15% trong năm. Nhập khẩu khoai tây chế biến dự kiến giảm 10%, một mặt do trả đũa đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ, mặt khác do sản lượng khoai tây của EU sụt giảm.
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ là nhà sản xuất và xuất nhập khẩu rau, quả lớn trên thế giới. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (số cập nhật tháng 11/2018), xuất khẩu rau, quả tươi của nước này trong năm tài khóa 2019 dự báo đạt khoảng 7,4 tỷ USD, với các thị trường chính gồm có Canada, châu Âu và Hàn Quốc. Xuất khẩu rau, quả chế biến đạt khoảng 7,2 tỷ USD.
Ở chiều nhập khẩu, trái cây tươi đạt khoảng 13 tỷ USD, trái cây chế biến khoảng 5,6 tỷ USD, rau tươi khoảng 8,3 tỷ USD và rau chế biến khoảng 5,3 tỷ USD, cho thấy đây là một thị trường rất tiềm năng cho các nhà xuất khẩu rau, quả trên thế giới.
EU
Trong năm tiếp thị 2018/2019, sản lượng táo, lê và bảng nho tại Liên minh châu Âu được dự báo tăng đáng kể sau khi sản xuất thấp trong năm trước. Dự báo, sản xuất táo tăng 34% so và đặt mức kỷ lục ở EU; sản lượng lê tăng 4% và nho tăng 11%. Do nguồn cung dồi dào, nhập khẩu táo và lê dự kiến sẽ giảm, trong khi xuất khẩu được dự báo sẽ tăng. EU cũng là thị trường có các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rau, quả đặc biệt cao trên thế giới, do đó để thâm nhập và mở rộng thị phần cho sản phẩm rau, quả tại thị trường này là một thách thức lớn.
Nhật Bản
Hiện nay, Nhật Bản vẫn phải nhập khẩu tới 1/3 nhu cầu trái cây tươi của nước này, khoảng 1,6 triệu tấn vào năm 2017, dẫn đầu là chuối, dứa, kiwi, cam và nho. Nếu Philippines dẫn đầu về xuất khẩu rau, quả vào Nhật Bản nhờ lợi thế của các loại sản phẩm nhiệt đới thì Hoa Kỳ đứng thứ hai về giá trị xuất khẩu trái cây tươi sang Nhật Bản với 360 triệu USD vào năm 2017. Hoa Kỳ là nhà cung cấp hàng đầu về cam, chanh, nho và anh đào vào Nhật Bản.
Nguồn Báo Công Thương