Chủ Nhật, 24/11/2024 23:21:38 GMT+7
Lượt xem: 5223

Tin đăng lúc 09-02-2019

Thị trường Tết Kỷ Hợi 2019: Giá ổn định, sức mua tăng 10% - 15%

Mùa kinh doanh cao điểm Tết Nguyên đán 2019 đã khép lại. Số liệu chưa chính thức cho thấy, sức mua chung thị trường tết năm nay tăng bình quân 10% - 15% so với cùng kỳ.
Thị trường Tết Kỷ Hợi 2019: Giá ổn định, sức mua tăng 10% - 15%
Khách chọn mua hàng tại một phiên chợ hàng tết đang diễn ra ở quận 1, TPHCM

Hàng hóa cung ứng rất đa dạng, phong phú, giá bán tương đối ổn định. Riêng các nhóm hàng đặc trưng của ngày tết như hoa tươi, trái cây, rau củ quả… giá bán tăng cao so với ngày thường do mức cầu quá lớn.

 

Sức mua tăng nhờ khuyến mãi

 

Khác với những năm trước, năm nay người tiêu dùng mua sắm tết từ khá sớm. Đến ngày cúng ông Táo về trời sức mua đã tăng rất cao. Tại nhiều siêu thị và doanh nghiệp (DN) sản xuất đã đạt kế hoạch doanh thu hơn 60% ngay vào thời điểm này. Bước vào tuần cuối cùng của mùa tết, lượng khách đến siêu thị mua sắm các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, thịt gia cầm, thực phẩm chế biến, bánh, kẹo, mứt, rau củ và một số loại trái cây chưng tết tăng vọt, trong khi nhóm hóa mỹ phẩm sức mua bắt đầu giảm. Đây chính là những điểm khác biệt của mùa tết 2019.

 

Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, hàng hóa cung cấp có chất lượng và có thương hiệu, chính sách giá ổn định, kết hợp các chương trình khuyến mãi, giảm giá trên nhiều mặt hàng, nên các siêu thị đã thu hút được một lượng lớn khách hàng đến mua sắm. Trước đó, các siêu thị đã thực hiện khuyến mãi giảm giá 10% - 50% trên hàng ngàn mặt hàng. Nhiều siêu thị cũng đã tổ chức kéo dài thời gian bán hàng thêm từ 4 - 5 giờ/ngày tết để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

 

Kết thúc mùa kinh doanh cao điểm, theo số liệu thống kê không chính thức, sức mua tăng 10% - 15% so với Tết Mậu Tuất 2018, trong đó mãi lực tại các hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi...) tăng 20% - 30%. Cá biệt, cũng có một vài hệ thống siêu thị, cửa hàng, sức mua chỉ dừng ở mức 5%. Nhiều DN cho rằng, trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì họ hài lòng với mức tăng này. Riêng khu vực các chợ truyền thống, vào những ngày cận tết, lượng khách đến chợ mua sắm khá đông, kéo theo mãi lực tăng 30% - 40% so với ngày thường.

 

Ngay sau tết, bắt đầu từ mùng 2 và 3 tết, tại một số hệ thống siêu thị như Co.opmart, siêu thị Sài Gòn, hệ thống cửa hàng tiện lợi Vissan, Satrafood… cùng các chợ truyền thống đã mở cửa bán hàng nhưng lượng khách đến mua sắm không đông, sức mua thấp. Các hệ thống cửa hàng tiện lợi như B’smart, Circle K, Shop&Go… vẫn mở cửa phục vụ 24/24, đáp ứng nhu cầu mua sắm một số mặt hàng phục vụ tết của người dân như bia rượu, nước giải khát, bánh mứt, thực phẩm khô.

 

Hàng hóa cũng đã bắt đầu về các chợ đầu mối của TP, với tổng lượng hàng hóa nhập chợ đạt gần 1.500 tấn/đêm, chủ yếu các mặt hàng rau củ.

 

Tại chợ lẻ, hầu hết các sạp đều nghỉ tết, chỉ có một số ít tiểu thương mở cửa bán lấy ngày, chủ yếu là các mặt hàng thịt gia súc, gà ta, rau củ quả, trái cây, lượng khách đến chợ không cao.

 

Chỉ một vài mặt hàng tăng giá vì mức cầu quá lớn

 

Nhìn chung, giá các mặt hàng trong những ngày vừa qua trên địa bàn TPHCM tương đối ổn định. Đặc biệt, ở nhóm các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt gia súc, gia cầm và trứng gia cầm, hàng công nghệ phẩm… giá bán còn có xu hướng giảm nhẹ do sự chi phối từ hàng bình ổn cũng như lượng hàng cung ứng rất dồi dào.

 

Theo ghi nhận của phóng viên, tết năm nay chỉ có một số nhóm các mặt hàng thiết yếu tăng khá cao vào 3 ngày cuối cùng như hoa tươi cao cấp và trái cây chưng tết, giá bán tăng gấp đôi, gấp 3 so với ngày thường. Cụ thể, giá bán hoa ly (loại 5 cành/bó, mỗi cành có 5 hoa) từ 350.000 - 500.000 đồng/bó; hoa huệ trắng 200.000 - 250.000 đồng/chục; hoa lay-ơn 80.000 - 120.000 đồng/chục; hoa lan hồ điệp 200.000 - 250.000 đồng/cây; 2 loại hoa tết đặc trưng của 2 miền Nam và Bắc là mai và đào do thời tiết thuận lợi nên được đưa về TP bán khá nhiều.

 

Tuy nhiên, giá bán các loại mai kiểng vẫn đứng ở mức khá cao, trong khi giá bán đào miền Bắc tại TPHCM chỉ bằng 1/2 so với tết năm 2018. Dù vậy, sức mua các loại hoa kiểng không tăng cao như những năm trước đây. Liên tiếp trong 2 mùa tết 2018 và 2019, các loại hoa kiểng đã rơi vào tình trạng dội hàng, rớt giá vào ngày 30 tết do sức mua yếu.

 

Đối với mặt hàng trái cây như bưởi, mãng cầu, thanh long, vào ngày cận tết giá tăng gấp đôi do tiểu thương giảm nhập hàng, trong khi mức cầu quá lớn. Giá bưởi Năm Roi (loại 1) khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg; bưởi hồng da xanh (loại 1) 100.000 - 120.000 đồng/kg; mãng cầu tròn 80.000 - 100.000 đồng/kg; thanh long 40.000 - 60.000 đồng/kg; quýt đường 70.000 - 80.000 đồng/kg… Các mặt hàng thực phẩm khác như gà ta, cá lóc, cá điêu hồng, tôm, cá thu, trong 3 ngày 28, 29 và sáng 30 tết giá bán đã tăng bình quân khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg.

 

Ngày mùng 2 và mùng 3 tết, ghi nhận thực tế cho thấy, giá bán nhiều loại hàng hóa tại siêu thị đầu năm không tăng so với cùng kỳ và tương đương giá bán ngày thường. Cụ thể, tại một số siêu thị và cửa hàng thực phẩm, thịt bò các loại giá dao động 150.000 - 300.000 đồng/kg, thịt gà ta khoảng 100.000 - 130.000 đồng/kg, các loại cá quanh mức 30.000 - 120.000 đồng/kg... Các mặt hàng bình ổn vẫn niêm yết mức giá tốt hơn so với thị trường.

 

Ngay trong ngày khai trương đầu năm, các siêu thị cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó hàng thực phẩm tươi sống có mức giảm bình quân 10% - 20%, hàng phi thực phẩm giảm 5% - 49%. Bên cạnh đó, siêu thị cũng có chương trình lì xì may mắn đầu năm vào các ngày mùng 4, 5 và 6 tết để mang lại niềm vui, sự may mắn đầu năm cho khách hàng.

 

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM về thị trường Tết Kỷ Hợi 2019, hàng hóa được cung ứng dồi dào, phong phú, giá cả tương đối ổn định, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá; Nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá góp phần nâng sức mua, giúp gia tăng mãi lực.

 

Tết năm nay, người tiêu dùng TP tiếp tục có xu hướng thay đổi dần tập quán mua sắm, tiêu dùng thay cho “ăn tết” bằng “vui tết”, “chơi tết”, chuyển từ kênh mua sắm truyền thống sang kênh mua sắm hiện đại, mua sắm online trên mạng và giảm bớt thói quen mua dự trữ hàng hóa. Do có sự chuẩn bị từ rất sớm công tác dự báo tình hình thị trường, tổ chức sản xuất, dự trữ hàng hóa, đảm bảo cân đối cung - cầu và ổn định giá cả hàng hóa, việc kiểm tra sát sao giúp cho thị trường tết năm nay diễn ra theo như dự báo và đúng kế hoạch chuẩn bị của TP.

 

Bên cạnh sự chuẩn bị đầy đủ về nguồn cung, đa dạng, phong phú về sản phẩm và ổn định về giá cả, hàng hóa năm nay cũng được các DN tập trung đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng sản phẩm sạch, an toàn được người tiêu dùng quan tâm và đánh giá cao.

 

Nguồn SGGP


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang