Tiêu thụ tăng cao
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, quý I/2016, các thành viên của VSA sản xuất được gần 374 nghìn tấn ống thép, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là “mốc” sản lượng lớn từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, con số tiêu thụ cũng không kém phần ấn tượng. Tính riêng trong tháng 3/2016, sản lượng thép xây dựng tiêu thụ đã đạt hơn 1 triệu tấn, tăng hơn 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung trong quý I/2016, tổng lượng thép xây dựng được tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt 2 triệu tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2015.
Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Sưa - Phó Chủ tịch VSA - cho biết: Tháng 3 hàng năm, nhu cầu thép thường tăng cao do các công trình xây dựng bắt đầu “vào mùa”. Tuy nhiên, cũng không thể loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ tích trữ của doanh nghiệp thương mại sau khi quyết định áp thuế tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam được Bộ Công Thương ban hành (chính thức có hiệu lực từ ngày 22/3). Sản lượng thép xây dựng bán ra trong tháng 3/2016 đạt 1.011.577 tấn, tăng hơn 290.000 tấn so với tháng 3/2015. Trong đó, chỉ khoảng 50.000 tấn thép xây dựng được xuất khẩu, 962.000 tấn được tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Giá thép “hạ nhiệt”
Khảo sát tại thị trường phía Bắc, giá thép thành phẩm dao động từ 9,8 - 10,3 triệu đồng/tấn, tăng 10 - 15% so với trước Tết Nguyên đán, nhưng hạ so với thời điểm trước ngày 9/3. Chị Hoàng Bích Diệp - chủ cửa hàng sắt thép trên đường Trường Chinh (Hà Nội) - cho biết: Đầu tháng 3/2016, khi có quyết định của Bộ Công Thương về việc áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với thép nhập khẩu, giá thép thay đổi theo từng ngày, thậm chí có ngày thay đổi đến 2 – 3 lần giá, cao điểm tăng từ 400.000 – 800.000 đồng/tấn. Dù vậy, hiện tượng này không kéo dài lâu do trước đó, thị trường khá ảm đạm, lượng hàng tồn kho nhiều. Hiện tại, giá thép đã giảm 100.000 – 200.000 đồng/tấn so với đầu tháng 3.
Theo VSA, giá thép hiện nay cao cũng một phần do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Ngoài ra, 2 năm trở lại đây, giá thép trong nước giảm xấp xỉ 35% giá trị, do sự cạnh tranh của thép Trung Quốc. Vì vậy, có thể nhìn nhận đây là sự phục hồi về giá do trước đó đã giảm quá sâu.
Ông Hồ Nghĩa Dũng - Chủ tịch VSA - nhận định: Thời gian tới, thị trường thép Việt Nam sẽ dần ổn định hơn; tâm lý đầu cơ tích trữ không còn khi cầu của thị trường trở về giá trị thực. Ngoài ra, VSA đã, đang và sẽ liên tục chỉ đạo thành viên hiệp hội sớm ổn định về giá các sản phẩm thép; tránh tình trạng tăng giá thêm do tâm lý đầu cơ tích trữ của doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã gửi công văn đến các doanh nghiệp nguyên đơn đề nghị báo cáo tình hình giá mặt hàng phôi thép và thép dài trước, sau khi có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, đồng thời phối hợp với cơ quan liên quan theo dõi giá, kịp thời có biện pháp bình ổn thị trường.
|
Nguồn: Báo Công Thương Điện Tử