Thứ Sáu, 22/11/2024 07:03:00 GMT+7
Lượt xem: 2181

Tin đăng lúc 22-04-2019

Thị trường thịt lợn 'ấm' trở lại

Kể từ đầu tháng 4 đến nay, giá thịt lợn hơi tại hầu hết các tỉnh tăng 1.000 – 5.000 đồng/kg so với tháng 3 sau khi dịch tả lợn châu Phi được khống chế, nhu cầu sử dụng của người dân cũng tăng lên.
Thị trường thịt lợn 'ấm' trở lại
Từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn dự báo sẽ tiếp tục lạc quan, với chiều hướng tăng thêm chứ không giảm

Theo dự báo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá thịt lợn nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng, có thể cán mốc bình quân 45.000 đồng/kg trong thời gian tới.

 

Từ nay đến cuối năm, giá thịt lợn dự báo sẽ tiếp tục lạc quan, với chiều hướng tăng thêm chứ không giảm. Trong đó, giá thịt lợn có thể sẽ tăng cao trong khoảng từ quý III và quý IV/2019.

 

Chị Ngọc, tiểu thương tại chợ Linh Đàm (Hà Nội), cho biết thời gian đầu công bố dịch tả lợn, có ngày chị chỉ bán được một nửa so với thời điểm trước khi có dịch.

 

Giá dần tăng, tiêu thụ ổn định

 

Tuy nhiên, khoảng hai tuần trở lại đây, khi cơ quan chức năng công bố dịch bệnh được khống chế, lượng hàng tiêu thụ đã trở lại bình thường, giá tăng 3.000 – 5.000 đồng/kg.

 

Giá bán lợn hơi tại các cơ sở chăn nuôi cũng "ấm" trở lại. Anh Hoàng, chủ hộ nuôi lợn ở Hoài Đức (Hà Nội), chia sẻ một tuần nay, mỗi ngày anh tiếp khoảng 4 – 5 thương lái đến hỏi mua lợn với giá 42.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng so với một tháng trước. Tuy nhiên, anh vẫn chưa bán vì đợi giá lợn hơi lên trên 45.000 đồng/kg-bằng thời điểm chưa có dịch.

 

"Hiện, gia đình tôi có nuôi 30 lợn thịt. Dù được năn nỉ bán tận nhà nhưng tôi vẫn giữ lại để đợi giá tăng lên. Sau đợt dịch này, chắc chắn giá sẽ tăng mạnh", anh Hoàng cho biết. Sở dĩ lợn nhà anh được săn đón vì người dân vẫn chưa thực sự tin tưởng vào lợn nuôi trang trại, nên thường chọn lợn nuôi sạch trong dân.

 

Không chỉ có thịt lợn tăng giá, tại các cửa hàng bán thực phẩm được chế biến từ thịt lợn cũng không còn tình trạng ế ẩm như trước.

 

Tại các quầy, cửa hàng giò chả ở chợ Định Công (Hà Nội), lượng người mua khá đông. Chị Loan, chủ một cơ sở sản xuất giò chả (chuyên bán buôn cho các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ), cho biết: Do hiểu sai về bệnh dịch tả lợn châu Phi nên người dân quay lưng với các sản phẩm được chế biến từ thịt lợn. Trước khi dịch bùng phát, trung bình mỗi ngày cơ sở của gia đình chị sản xuất từ 1 tạ giò chả và phải thuê thêm 4 thợ làm, nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát tại Hà Nội, mỗi ngày chỉ bán được 30 – 40kg.

 

"Một tuần trở lại đây, khách hàng quay lại sử dụng sản phẩm đã tăng. Để khách hàng tin tưởng, tôi luôn chọn mua thịt lợn sạch, đã được kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ mới đem về chế biến. Vài ngày qua, mỗi ngày tôi bán được 80kg giò chả", chị Loan hồ hởi chia sẻ.

 

Lo thiếu nguồn cung

 

Theo cảnh báo của các chuyên gia, nhiều trang trại và các cơ sở chăn nuôi lợn trong dân đang có xu hướng giữ đàn lợn, hạn chế bán ra. Trong khi đó, thời điểm dịch bệnh bùng phát, hầu hết các trang trại không dám tái đàn, nên dự báo giá thịt lợn hơi trong nước sẽ tiếp tục ở mức cao.

 

Thực tế này đã từng xảy ra sau mỗi đợt dịch bệnh rớt giá sẽ dẫn tới tình trạng nguồn cung khan hiếm khiến giá thịt lợn tăng cao.

 

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Vissan, đưa ra dự báo tình hình dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi bùng phát và lan rộng thời gian qua sẽ khiến nguồn cung thịt lợn trên thị trường khan hiếm, cạn kiệt.

 

"Thời điểm bùng phát dịch tả lợn châu Phi, nhiều người tiêu dùng quay lưng với thịt lợn và thay đổi thói quen tiêu dùng, tiêu thụ thịt sụt giảm nên dù lượng cung ra thị trường giảm nhưng giá thịt lợn không cao. Tuy nhiên, giá lợn hơi hiện bắt đầu nhích lên, khả năng từ nay đến cuối năm sẽ còn tiếp tục tăng", ông An nói.

 

Trước những lo ngại trên, Bộ Công Thương cho biết, nguồn cung thịt các loại trong nước vẫn đảm bảo tiêu dùng, không lo khan hiếm. Trong trường hợp xấu, dịch bệnh tiếp tục phát triển có thể tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, với giá lợn hơi chạm ngưỡng 50.000 đồng/kg như hiện nay, chăn nuôi lợn đang là nghề siêu lợi nhuận. Mỗi con lợn sau khoảng 4 tháng nuôi cho trọng lượng 100kg, người nuôi lãi khoảng 1,4 triệu đồng.

 

Do đó, nếu nhìn vào mức lợi nhuận này, các chủ trang trại sẽ không bỏ lỡ cơ hội để tái đàn ngay khi cơ quan chức năng công bố hết dịch bệnh.

 

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các ngành chuyên môn, nông dân và các chủ trang trại chăn nuôi cũng nên thận trọng khi tái đàn, bởi dịch bệnh vẫn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp.

 

Đồng thời lưu ý việc tái đàn phải áp dụng theo quy trình an toàn sinh học, quan trọng hơn cả là phải sử dụng con giống chất lượng, sạch bệnh, rõ nguồn gốc, tuyệt đối không sử dụng con giống trôi nổi trên thị trường và không có xác nhận của ngành chức năng.

 

Theo thoibaokinhdoanh.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang