Đẩy mạnh bán hàng online
Việc tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh trong đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới các cửa hàng thời trang. Không đẩy được hàng tồn từ vụ thu đông, các sản phẩm mới phục vụ nhu cầu trong vụ xuân hè cũng gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm, gánh nặng chi phí mặt bằng đội lên khiến các thương hiệu thời trang phải tạm ngừng sản xuất và tập trung đẩy mạnh bán hàng qua kênh online như mạng xã hội, và trên các sàn thương mại điện tử.
Thay đổi hình thức kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến đang là giải pháp tháo gỡ khó khăn cấp thiết trong bối cảnh nhiều cửa hàng thời trang “án binh bất động” như hiện nay. Đồng thời cũng phù hợp với sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trong tình hình dịch bệnh.
Theo tìm hiểu của phóng viên, trên các website, Facebook, Lazada hay Shoppee... các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng đã áp dụng nhiều chương trình giảm giá, với mức giảm khá sâu nhằm thu hút khách hàng. Đơn cử như thương hiệu Nem đồng giá giảm 60% đối với tất cả các mặt hàng; Thương hiệu 20 Again giảm tới 50%; Thời trang Chic – Land cũng chiết khấu toàn bộ sản phẩm tới 70%.
Chị Mai Thị Nhung, quản lý trang fanpage 20 Again cho biết: “Từ ngày 1/4 - 7/4 toàn bộ hệ thống của 20 Again giảm 50% đối với tất cả các sản phẩm váy, và 20% đối với các sản phẩm còn lại. Việc đẩy mạnh sale trong thời điểm này cũng giúp doanh thu bán online của 20 Again tăng từ 20-30%”.
Bên cạnh những thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước, thời trang thiết kế “no-name” cũng có cơ hội nở rộ trên các kênh mua sắm online. Phá bỏ suy nghĩ thời trang thiết kế là phải đắt đỏ, những thương hiệu thời trang bình dân của Việt Nam đang đi theo hướng giá cả phải chăng mà vẫn đảm bảo chất lượng vượt trội.
Chị Hoàng Thị Ngân, Giám đốc kinh doanh của Công ty Emily Boutique cho biết: “Công ty chuyên sản xuất hàng thiết kế thời trang nữ đổ sỉ toàn quốc. Trong khi tình hình dịch khiến 70% các mối nhập hàng bị gián đoạn do không thể vận chuyển đi. Các cửa hàng đã phải đẩy mạnh bán online, bên mình cũng xả toàn bộ kho với mức giảm tới 70% nhằm thu hồi lại vốn”.
Thị trường ngày càng cạnh tranh, để chiều khách hàng, nhiều nhãn hiệu thời trang đã đa dạng trong hình thức mua sắm như chấp nhận cho khách hàng đổi trả và kiểm tra hàng trước khi nhận. Chính điều này cũng tạo tâm lý thoải mái hơn cho khách hàng khi lựa chọn mua sắm qua kênh online.
Cơ hội “săn” hàng giảm giá
Khuyến khích mua hàng online, giao hàng tận nơi, việc các cửa hàng thời trang đồng loạt giảm giá đã giúp thị trường này trở nên sôi động hơn. Đặc biệt, đối với những tín đồ có thói quen mua sắm online, trước nhu cầu xả hàng của nhiều thương hiệu thời trang, nhiều chị em cũng tranh thủ thời điểm này để “săn” hàng.
Chị Nguyễn Hồng Minh (Nguyễn Trãi, Hà Nội) cho biết: “Thấy nhiều shop sale mạnh trong đợt dịch này nên mình tận dụng mua sắm thêm quần áo, giầy dép cho cả nhà. Mình thường chọn những địa chỉ, thương hiệu uy tín để mua chứ không mua đại trà”.
Theo chị Nguyễn Hoàng Anh, chủ shop quần áo Elle Boutique cho biết: “Chúng tôi đang đẩy mạnh bán online, giảm tới 50% tất cả các sản phẩm áp dụng trong tháng 4. Mặc dù doanh thu bán cố định giảm tới 70%, tuy nhiên nhờ đẩy mạnh bán online trong 1 tháng qua lượng khách cũng tăng đều. Nếu may mắn duy trì ổn định cũng bù được tiền thuê mặt bằng”.
Chị Hoàng Anh cũng chia sẻ, để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, đòi hỏi phải có chiến lược thu hút khách hàng như liên tục cải tiến sản phẩm, đánh vào nhu cầu đẹp, độc, lạ, chất lượng và giá cả phải chăng hay như tiêu chí "Người Việt dùng hàng Việt".
Khảo sát mới đây trên thị trường mua bán trực tuyến cho thấy, số người mua sắm chủ yếu ở lĩnh vực thời trang chiếm 78%, trong khi đó công nghệ thông tin là 50% và mỹ phẩm là 44%, nhu yếu phẩm là 35%. Cùng với ưu điểm mở gian hàng miễn phí, các chủ shop thời trang có thể quảng bá miễn phí sản phẩm của mình nhằm tiếp cận tới nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - ông Đặng Hoàng Hải - cho biết: số người dùng mua hàng trực tuyến trong hai tháng qua đã tăng lên đáng kể, với 67% người dùng Internet đã từng mua hàng trực tuyến ít nhất 1 lần. Lĩnh vực thời trang gia nhập thị trường thương mại điện tử từ khá sớm là lợi thế lớn. Sự đa dạng trong các sản phẩm thời trang trên thị trường thương mại điện tử hiện nay cũng giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn khi mua sắm.
Tuy nhiên, ông Hải cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn các thương hiệu uy tín, tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ trước khi tìm mua sản phẩm, tránh mua phải hàng trôi nổi, hàng kém chất lượng.
Theo Báo Công Thương