Xuất khẩu robot
Dữ liệu của Liên đoàn robot quốc tế (IRF) cho thấy, trong năm 2015, ngành công nghiệp sản xuất có 66 robot trên mỗi 10.000 người lao động. Năm 2017, dữ liệu tăng lên 77 robot trên 10.000 người lao động. Cùng với thế giới, Việt Nam đang được coi là thị trường tiềm năng cho robot công nghiệp. Đã có những nhà máy sử dụng hàng ngàn người máy trong sản xuất xe ô tô, làm trong những dây chuyền chế biến độc hại. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Văn Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định: Xu hướng nghiên cứu, ứng dụng robot công nghiệp, gia tăng mô hình "nhà máy thông minh" tại các khu công nghiệp đang là xu hướng phát triển mạnh tại Việt Nam hiện nay. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện thành công một số sản phẩm robot và được thị trường đón nhận.
Tại Công ty Cơ khí Mạnh Tiến, TP Hồ Chí Minh, trước đây lúc nào cũng chật kín người do toàn bộ quy trình sản xuất các mẫu cắt trang trí nội thất đều phải thực hiện thủ công. Tuy nhiên năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm tạo ra lại không đồng đều. Ông Trần Mạnh Tiến, Giám đốc công ty đã quyết định đầu tư robot để tăng hiệu quả sản xuất. Nhưng do không có nhiều kinh phí để nhập khẩu robot từ nước ngoài, ông đã tìm đến sản phẩm do Công ty Robotics 3T của Việt Nam nghiên cứu, chế tạo.
Nhà sáng lập Dự án Robot 3T, ông Dương Trọng Toại cho biết, với nguồn lực rất hạn chế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể nhập các máy móc ở nước ngoài, nhất là để áp dụng quy mô lớn cho cả nhà máy. Vì vậy ông đã xây dựng một thương hiệu ở Việt Nam thông qua Dự án Robot 3T, tập trung nghiên cứu và làm ra các robot đơn giản, để có thể thực hiện tự động hóa một dây chuyền sản xuất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Nhà sáng lập Dự án Robot 3T cũng cho biết, một robot đa năng tại nước ngoài 6 bậc tự do có giá 30-40 nghìn đô la Mỹ. Còn tại Việt Nam, với những ứng dụng đơn giản 3-4 bậc tự do có giá từ 3 đến 5 nghìn đô la Mỹ. Doanh nghiệp có thể thu hồi chi phí đầu tư sau 3-6 tháng. Sau gần 3 năm hoạt động, ngoài những sản phẩm đã bán cho các doanh nghiệp trong nước, công ty còn xuất khẩu đến gần 60 quốc gia. Thời gian tới, Robot 3T sẽ triển khai xây dựng, liên doanh với 2 đối tác châu Âu về chuyển giao các công nghệ tiên tiến về robot để ứng dụng vào các sản phẩm phục vụ thị trường ASEAN...
Đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp nhỏ và vừa
Nhiều doanh nghiệp khác cũng có các sản phẩm robot mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế tạo robot đang phải đối mặt với quá nhiều rào cản, do cơ sở hạ tầng kỹ thuật vẫn còn yếu kém và các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, trong khi thị trường vẫn còn nhỏ khiến cho chi phí sản xuất bị đẩy lên cao. Theo kết quả điều tra của Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với Cách mạng công nghiệp 4.0, số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn. Có nhiều doanh nghiệp có nhu cầu lớn nhưng chưa đủ tiềm lực và định hướng chiến lược cho quá trình đầu tư này.
Theo Giáo sư La Mạnh Hùng, Giám đốc Phòng thí nghiệm robot tiên tiến và tự động hóa, Đại học Nevada của Hoa Kỳ, xu hướng ứng dụng robot đang diễn ra rất mạnh ở các nước trên thế giới, trong khi ở Việt Nam việc ứng dụng công nghệ này mới chỉ thấy ở các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ ứng dụng robot trong sản xuất còn hạn chế. Theo Giáo sư La Mạnh Hùng, thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là họ vẫn chưa biết dùng robot vào việc gì, nâng cao được năng suất hay không. Do đó, cần có những chuyên gia hỗ trợ doanh nghiệp, cung cấp đầy đủ thông tin cho các doanh nghiệp...
Theo Tiến sĩ Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp, ứng dụng công nghệ robot và tự động hóa hiện nay đã phổ biến trên thế giới và mang lại những hiệu quả lớn đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là sự phát triển của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp muốn tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại, có thêm nhiều robot để phục vụ sản xuất đang còn gặp rất nhiều khó khăn với hàng loạt bài toán đặt ra về nhân sự, vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ, trình độ kỹ thuật tại các cơ sở còn thiếu đồng bộ từ sản xuất đến kho bãi... Vì vậy, theo Tiến sĩ Hoàng Việt Hồng, cần có sự liên kết chặt hơn nữa giữa các chuyên gia nước ngoài với trong nước để đưa công nghệ mới, tự động hóa vào trong quá trình sản xuất của Việt Nam. Các hoạt động thúc đẩy nghiên cứu, đầu tư cũng cần được chú trọng.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Anh Văn, Trường Khoa học vật liệu JAIST, Nhật Bản cho biết, hiện ứng dụng robot ở Việt Nam chưa có nhiều. Chúng tôi đang có những chương trình hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Việt Nam để sản xuất thử nghiệm những sản phẩm công nghệ mới. Hy vọng công nghệ robot có thể được ứng dụng rộng rãi hơn ở Việt Nam trong thời gian tới. Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hồ Anh Văn, để công nghệ robot đi vào đời sống xã hội, cần có sự chung tay của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Trong đó, mạng lưới liên kết giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, giữa cơ quan nhà nước với các trí thức khoa học, giữa doanh nghiệp với khoa học… cần phải được tổ chức xây dựng một cách bài bản, có chiều sâu.
Theo báo Hà Nội mới