Thứ Bẩy, 23/11/2024 10:41:23 GMT+7
Lượt xem: 6750

Tin đăng lúc 22-01-2016

Thị trường xe máy tết: Sốt ảo, ế thật!

Sức mua không cao, thị trường không nóng nhưng càng sát tết, các mẫu xe Honda từ bình dân tới cao cấp càng được các đại lý tranh thủ “thổi” giá trong khi hầu hết các thương hiệu còn lại phải dìm giá gỡ doanh số.
Thị trường xe máy tết: Sốt ảo, ế thật!

Thị trường không nóng, đại lý Honda vẫn “nhìn nhau đẩy giá”

 

Khảo sát thực tế trong mấy ngày từ 17 - 20/1 tại các đại lý lớn (HEAD) của Honda cho thấy số lượng người tới mua xe không có dấu hiệu tăng đột biến so với trước trong khi giá của hầu hết các loại xe đều tăng mạnh. Từ dòng xe bình dân như Honda Wave RSX đến các dòng cao cấp như Honda SH đều đội giá mạnh so với mức niêm yết. Độ kênh giá của các dòng xe ga có thể lên tới hơn chục triệu đồng cho các dòng SH, Air Blade hay Lead. Tại một số đại lý, Honda SH 125 được hét giá 77 triệu đồng, cao hơn mức niêm yết hơn 10 triệu đồng.

 

Khi bị khách hàng thắc mắc về mức chênh lệch cao giật mình này, nhân viên bán hàng lý giải giá thực tế có thể bị đẩy lên cao là các chi phí phát sinh từ mặt bằng, thuế, phí... Một nguyên nhân nữa được đưa ra là do khan hàng, thiếu xe.

 

Quản lý một HEAD lớn tại Hà Nội cho biết thị trường xe máy cuối năm nay không có đột biến, lượng khách đến mua xe bình thường so với mọi năm, doanh số bán “vẫn thế”. Tuy nhiên, nguồn cung ứng xe từ nhà máy bị thiếu từ xe số tới xe ga trong đó SH và SH Mode thiếu trầm trọng. Việc xe cung ứng ít khiến các đại lý buộc phải đẩy giá lên. “Các đại lý nhìn nhau và đẩy giá dù thị trường không nóng” - anh này nhận định.

 

Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó TGĐ Honda Việt Nam - cho biết nhà máy không giảm lượng xe sản xuất và chỉ thiếu một số dòng xe ga như SH do nhu cầu thị trường tăng đột biến. Ông Tuấn lý giải so với những năm trước cơ cấu tỉ lệ tiêu thụ giữa xe ga và xe số trên thị trường có sự thay đổi mạnh và Honda chưa kịp điều chỉnh lại tỉ lệ này cho thật phù hợp nên dẫn tới tình trạng thiếu xe tạm thời. Đại diện Honda cũng cho biết khi kết thúc năm tài khoá (vào tháng 3/2016) liên doanh sẽ xem xét, tổng kết và điều chỉnh lại tỉ lệ sản xuất giữa xe ga và xe số cho phù hợp với nhu cầu thị trường.

 

Ế ẩm, nhiều đại lý SYM, Suzuki “rủ nhau” đóng cửa

 

Sức mua thấp khiến hầu hết các thương hiệu xe máy đều gặp khó. Trừ Honda vẫn tự tin đẩy giá hay Yamaha túc tắc trụ hạng, tất cả các thương hiệu còn lại đều hạ giá đẩy hàng tồn. Anh Lương Văn Dũng - chủ đại lý Yamaha Việt Nhật - cho biết lượng khách tới mua xe Yamaha không tăng đột biến và hầu hết các mẫu xe đều bán đúng giá hoặc giảm vài trăm nghìn tới 2 triệu đồng. “Thị trường khá ảm đạm nhưng chúng tôi vẫn tạm ổn nhờ một số dòng xe chủ lực như Exciter hay Grande. Các dòng xe khác bán túc tắc gọi là hoà vốn”.

 

Các thương hiệu Suzuki hay SYM hiện đều trong tình trạng ế ẩm. Anh H - chủ một trong những đại lý SYM còn sót lại ở Hà Nội - cho biết SYM mới có thay đổi về chính sách và gần như không hỗ trợ các đại lý trong khi lượng khách giảm mạnh và sản phẩm mới gần như không có nên nhiều đại lý như SYM Kường Ngân đã đóng cửa, chuyển hướng kinh doanh.

 

“Xe ga SYM chẳng thể bán nổi, chỉ còn vài loại xe số giá rẻ bán cho người lao động ở vùng ven. Với đà này, chắc chả mấy nữa mà chúng tôi cũng nghỉ” - anh H chán nản nói. Giống như SYM, nhiều đại lý Suzuki hiện cũng đã hoặc đang chuẩn bị đóng cửa.

 

Theo Báo Lao động


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang