Bò khô, mực khô giá rẻ "giật mình"
Ghi nhận của báo Pháp Luật Việt Nam, ở cổng trường thịt bò khô, mực đóng gọi 10.000 – 20.000 đồng đang là mặt hàng được bán chạy nhất. Được biết, trước khi đóng gói lẻ ra để bán thì chúng ta có thể dễ dàng mua được bò khô tại những hàng khô ở các chợ lớn như Phùng Khoang, Duy Tân chỉ với giá 170.000 đồng/kg.
Sau khi mua ở đây, các cửa hàng tạp hóa đã về đóng gói lẻ để dễ tiêu thụ hơn. Những gói “bò, mực khô” có giá từ 10 - 20 nghìn đồng có sợi vụn, rời rạc, với bò có màu đỏ thẫm, mực thì có màu trắng bạc, được đóng gói sơ sài. Những sản phẩm này chỉ có 1 tờ giấy in thông tin nhà sản xuất, thành phần, địa chỉ sơ sài, không ghi khối lượng bao nhiêu. Bò khô, mực “xịn” nhưng giá rẻ bất ngờ này thường xuất hiện ở các quán tạp hóa nhất là ở khu vực cổng trường bởi từ trước đến nay đây là những món ăn vặt được lòng hầu hết tất cả mọi người.
Còn trên thị trường ngày cận Tết, VietQ.vn đã đưa tin, các mặt hàng khô, đặc biệt là thịt trâu, bò, thú rừng khô dù không nhãn mác, không hạn sử dụng, không nơi sản xuất vẫn đắt khách. Vào dịp cận Tết, nhiều nơi còn "cháy" hàng.
Tại Hà Nội, mặt hàng bò khô, trâu khô, nai khô, đà điểu, ... ăn sẵn được bày bán nhiều và cũng khá đắt hàng. Ở chợ Đồng Xuân, những mặt hàng này được bán tràn lan, với giá khá rẻ và đa dạng. Thịt bò khô nguyên miếng, bò khô dạng viên, dạng que hay xé sợi đều có. Tại các kiot của chợ này, mặt hàng bò khô, nai khô đều dựng trong một túi nilong trắng tinh không có nhãn mác, bên ngoài chỉ ghi riêng hai chữ "bò khô" để giới thiệu sản phẩm.
Nói về tác hại của thịt bò khô giá rẻ không rõ nguồn gốc, một cán bộ thú y có nhiều năm công tác trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) cho hay, bò khô được người sản xuất áp dụng công thức: Phụ phẩm bò (hoặc thịt heo bệnh) sau khi được "luyện" các chất tẩy rửa công nghiệp (thuốc tẩy trắng, vôi...), sẽ qua tẩm ướp các loại hóa chất công nghiệp để cho ra sản phẩm bò khô giá siêu rẻ.
Thịt bò khô không rõ nguồn gốc có nguy cơ gây ung thư. Ảnh minh họa
Hầu hết các thịt bò khô được chế biến theo quy trình công nghiệp, món ăn này thường được tẩm ướp bằng các hóa chất độc hại và những chất phụ gia trôi nổi trên thị trường. Đặc biệt, Monosodium, high fructose corn syrup, glutamate, polysorbate 80, sodium nitrite là những hóa chất độc hại được tìm thấy tại một số mẫu thịt bò khô trên thị trường hiện nay.
Ngoài ra, để biến thịt heo bệnh thành thịt bò hay dùng thịt bò quá hạn sử dụng, nhà sản xuất sử dụng chất tẩy rửa công nghiệp để khử mùi ôi thiu, hôi thối. Sau đó ngâm tẩm hóa chất độc hại để tạo màu sắc đẹp mắt, có mùi vị bò khô 'chính hiệu'. Thậm chí, để tăng độ dai cho sản phẩm, nhiều cơ sở chế biến còn ngâm hàn the, một chất nằm trong danh mục bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.
Bên cạnh đó, để tăng khối lượng của miếng thịt bò, một số cơ sở còn dùng gia vị giá rẻ và bột biến tính để tẩm ướp. Độc hại nhất là có nơi sử dụng chất bảo quản có nguồn gốc từ Trung Quốc, khiến bò khô có thể giữ được hương vị cả năm không bị hỏng.
Nếu bạn trót nghiện món ăn này thì cần lựa chọn những sản phẩm thịt bò khô chính hãng, có uy tín. Không sử dụng thịt bò khô bán ở chợ, hàng rong, các quán nhậu, quán hát… vì chúng thường không có nguồn gốc rõ ràng và tránh ăn quá nhiều. Mỗi lần ăn chỉ nên ăn một lượng nhỏ. Theo các chuyên gia, thịt bò khô là món ăn vặt hấp dẫn nhưng không có lợi cho sức khỏe, bạn có thể chuyển sang các món ăn vặt khác lành mạnh hơn như hạt điều, hạnh nhân, sữa chua hoa quả…
Nguồn VietQ