Thịt nhiễm bệnh vẫn len lỏi thị trường
Chỉ trong thời gian ngắn, liên tiếp nhiều vụ buôn bán thịt lợn không rõ nguồn gốc, nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi bị lực lượng chức năng phát hiện trên khắp cả nước.
Điển hình, ngày 10/6/2025, Đội Quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang) phối hợp Phòng Cảnh sát môi trường – Công an tỉnh Bắc Giang kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh thực phẩm tại huyện Yên Dũng. Tại đây, hơn 500 kg thịt lợn bốc mùi hôi thối, chuyển màu tím tái bị phát hiện. Chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ kiểm dịch hay hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Cũng trong tháng 6/2025, Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ xe tải vận chuyển hơn 1,2 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu nhiễm bệnh. Chủ hàng thừa nhận số thịt được thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, không qua kiểm dịch, chủ yếu tiêu thụ tại các chợ truyền thống. Tương tự, ngày 18/6/2025, tại Nghệ An, hơn 800 kg thịt lợn đông lạnh vận chuyển trái phép đã bị thu giữ. Tất cả đều có dấu hiệu bất thường về màu sắc, mùi vị, nghi bảo quản sai quy định hoặc đã nhiễm bệnh.
Mới đây nhất, trên địa bàn Thủ đô, từ phản ánh của người dân, Công an TP.Hà Nội phát hiện một đường dây thu mua, giết mổ và phân phối thịt lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều chợ, quán ăn, nhà hàng trên địa bàn. 4 đối tượng đã bị bắt giữ, khởi tố về hành vi vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Những sự việc nêu trên tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm thịt lợn đang tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là tại các chợ dân sinh. Thịt lợn hiện vẫn chiếm hơn 65% tổng lượng tiêu thụ thịt ở Việt Nam, vì vậy, việc thịt nhiễm bệnh lọt vào thị trường không chỉ nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.
Chuyên gia cảnh báo: Đừng để miếng ăn thành mầm bệnh
Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo: tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh, đặc biệt là từ lợn chết, có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Các tác nhân nguy hiểm thường gặp trong thịt lợn bệnh bao gồm: Vi khuẩn như Salmonella, E. coli, Listeria gây tiêu chảy, sốt, buồn nôn – đặc biệt nguy hiểm với trẻ nhỏ, người già và phụ nữ mang thai; Ký sinh trùng như sán dây, giun xoắn có thể gây tổn thương cơ, thần kinh, mắt nếu ăn thịt chưa nấu kỹ; Liên cầu khuẩn lợn (Streptococcus suis) nguy cơ gây viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Đặc biệt, các độc tố như histamine, endotoxin, mycotoxin vẫn tồn tại trong thịt ngay cả khi được nấu chín. Những chất này có thể gây sốc nhiễm độc, tụt huyết áp, tiêu chảy cấp tính và tích lũy lâu dài gây tổn thương gan, thận, làm suy giảm hệ miễn dịch, thậm chí tăng nguy cơ ung thư. Điều nguy hiểm là thịt chứa độc tố đôi khi không có dấu hiệu rõ ràng như mùi hôi hay đổi màu, khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa.
Các chuyên gia khuyến cáo: nên tránh tuyệt đối thịt lợn đông lạnh không rõ nguồn gốc, đặc biệt khi không có tem kiểm dịch hoặc không được bảo quản đúng quy định.
Vai trò của người tiêu dùng
Việc liên tục phát hiện thịt lợn bẩn tuồn ra thị trường cho thấy lỗ hổng trong kiểm soát an toàn thực phẩm vẫn chưa được lấp đầy. Dù lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tình trạng này chỉ có thể chấm dứt khi người tiêu dùng nâng cao cảnh giác, không tiếp tay cho thịt giá rẻ, kém chất lượng.
Nhiều chuyên gia đề xuất siết chặt hơn nữa các khâu kiểm dịch, vận chuyển, giết mổ và kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để tình trạng “phạt cho tồn tại”. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc là một hướng đi cần thúc đẩy mạnh mẽ, để người dân có thể kiểm tra nhanh chóng và minh bạch chất lượng thịt lợn trước khi đưa lên bàn ăn.
Người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen tiêu dùng: chọn thịt rõ nguồn gốc, có dấu kiểm dịch, ưu tiên mua tại siêu thị hoặc cửa hàng uy tín, tránh ham rẻ mà đánh đổi sức khỏe cả gia đình. Mỗi quyết định tiêu dùng đúng đắn là một hành động thiết thực để bảo vệ cộng đồng.
Theo VietQ.vn