Tháng 7/2019, công ty Masan Nutri Science đổi tên thành Masan MeatLife (MML), tập trung phát triển ngành thịt sau 4 năm chuyển đổi mô hình kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sang mô hình kinh doanh thịt đóng gói có thương hiệu phục vụ cho người tiêu dùng.
Chuỗi giá trị thịt của Masan MeatLife đã hoàn chỉnh theo mô hình 3F (từ nông trại đến bàn ăn) khi công ty này sở hữu 12 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi (trong đó có các cái tên đình đám như Anco, Proconco, Biozeem) với tổng công suất 3 triệu tấn/năm, trang trại chăn nuôi heo kỹ thuật cao tại Nghệ An với sản lượng 230.000 con heo thịt mỗi năm và một tổ hợp chế biến thịt tại Hà Nam có công suất 1,4 triệu con heo mỗi năm, tương đương 140.000 tấn theo tiêu chuẩn châu Âu.
MML đã ra mắt sản phẩm thịt mát thương hiệu "Meat Deli" vào tháng 12/2018 với kênh phân phối phủ khắp tất cả các siêu thị Vinmart với mô hình "cửa hàng bên trong cửa hàng" bên cạnh các cửa hàng và đại lý MeatDeli thông thường.
MML đặt kỳ vọng sẽ đạt được 15% thị phần giá trị của thị trường thịt vào năm 2022. Ở thời điểm hiện tại, hệ thống phân phối Meat Deli gồm 9 cửa hàng, 61 đại lý và 100% cửa hàng Vinmart. Mục tiêu năm 2019 sẽ tăng rất nhanh lên trên 90 cửa hàng, 500 đại lý và phủ 80% các siêu thị (mô hình cửa hàng trong cửa hàng), doanh thu 500-1000 tỷ đồng. Đến năm 2022 sẽ là hơn 300 cửa hàng MeatDeli, hơn 4.400 đại lý và 500 cửa hàng trong cửa hàng.
Theo Thời Báo Kinh Doanh