Chủ Nhật, 24/11/2024 07:52:56 GMT+7
Lượt xem: 2319

Tin đăng lúc 09-04-2017

Thôi bình ổn giá sữa cho trẻ em, giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Chính phủ vừa quyết định kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/4/2017.
Thôi bình ổn giá sữa cho trẻ em, giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành xác định rõ chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. (Ảnh minh họa: KT)

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm 2017, tại Nghị quyết 34/NQ-CP Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương phải tăng cường chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, quyết tâm phấn đấu đạt kết quả cao nhất.

 

Chính phủ yêu cầu từng bộ, ngành chủ động rà soát xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể cho từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm chủ lực, trong đó xác định rõ chỉ tiêu, giải pháp cụ thể để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 theo kế hoạch đề ra.

 

Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo dõi sát tình hình phát triển, kịp thời có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tiêu thụ hàng tồn kho; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm để sớm đưa vào khai thác.

 

Ổn định mặt bằng lãi suất

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương rà soát, giảm thiểu các thủ tục đầu tư không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà tài trợ triển khai nhanh các dự án đầu tư, không để chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài và vốn ODA.

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình tiền tệ thế giới và trong nước, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp giữ ổn định mặt bằng lãi suất, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng.   

 

Tháo gỡ khó khăn các ngành

 

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính tập trung hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan; phối hợp với Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tiêu thụ than.

 

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp; xây dựng giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho ngành sắt thép và khai khoáng; đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu, tập trung khai thác các thị trường truyền thống, các thị trường mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) và các thị trường tiềm năng khác; tăng cường kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là đối với những mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

 

Đồng thời, Bộ NN&PTNT đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với lợi thế từng vùng, miền, thích ứng với biến đổi khí hậu; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản; tăng cường phối hợp quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguồn vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp.

 

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng thi công các công trình; tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, nhất là tại các tuyến đường kết nối với đầu mối giao thông lớn; dừng ngay việc cấp phép nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa có tận thu; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về quản lý cát sỏi lòng sông.  

 

Thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội

 

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; nghiên cứu giải pháp quản lý đối với phương thức du lịch khép kín, khách du lịch không chi tiêu tại Việt Nam và các giải pháp nhằm tăng doanh thu từ du lịch.

 

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan, địa phương tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 bảo đảm an toàn, thuận lợi cho thí sinh; đẩy mạnh triển khai cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

 

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo và định hướng tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động thông tin chính xác kịp thời, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.  

 

Thống nhất đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

 

Chính phủ thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp.

 

Thời gian thực hiện việc điều chỉnh kể từ ngày Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2019.

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn tất thủ tục xây dựng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết trên.

 

Kết thúc bình ổn giá sữa

 

Chính phủ đã thống nhất với đề nghị của Bộ Công Thương về việc kết thúc áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi từ ngày 1/4/2017.

 

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan liên quan thực hiện quản lý giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của Luật giá và các văn bản pháp luật có liên quan; đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm soát giá, chống đầu cơ, độc quyền./.

 

Nguồn VOV


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang