Thực phẩm là nhóm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh có điều kiện phải được quản lý, giám sát chặt chẽ để tránh nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh thực phẩm đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là việc kinh doanh qua mạng xã hội đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến lợi ích và sức khỏe của người tiêu dùng. Các sản phẩm bán qua mạng thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc mua bán diễn ra theo hình thức thỏa thuận giữa các bên nên rất khó cho công tác quản lý.
Đối tượng bán hàng online thường là cá nhân, tự phát không đăng ký kinh doanh do không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật. Do vậy, người bán có thể tự do thay đổi thông tin, địa điểm kinh doanh khiến người tiêu dùng không thể lường trước được, mặt khác, sản phẩm được gửi đến được bao gói rất cẩn thận. người tiêu dùng cũng khó kiểm tra kỹ chất lượng hàng hóa.
Nhiều vụ việc bán hàng không đảm bảo chất lượng đã bị người tiêu dùng phát giác đã xảy ra, điển hình, vụ việc tại khu đô thị Times City về việc các hộ dân tại đây mua phải cá đông lạnh không rõ nguồn gốc đã liên hệ, thông báo đến cơ quan chức năng. Đội Quản lý thị trường số 12, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra cửa hàng phân phối thực phẩm trên. Thời điểm kiểm tra, tại tủ đông của cửa hàng phát hiện nhiều mặt hàng sản phẩm thịt đông lạnh không có nhãn mác và không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất sứ, chủ cửa hàng đã khai nhận bán hơn 200 suất cá lăng đông lạnh, kém chất lượng cho hàng chục hộ dân; mỗi suất cá đông lạnh được phù phép thành cá tươi có thể lãi từ 100.000-150.000 đồng nên mới nhập cá từ Yên Sở về để bán kiếm lời.
Theo chị Thu - hiện đang sinh sống tại chung cư Times City cho biết, với chiêu quảng cáo là hàng giải cứu cá lăng hữu cơ nên chị cùng nhiều người đã mua để ủng hộ. Tuy nhiên, khi sử dụng chế biến, chị không khỏi bất ngờ vì là cá đông lạnh và đã được tẩm ướp, quan trọng nhất là thịt cá rất nhão, nhiều chỗ chảy nước và không giống cá lăng. Nhiều người bị đau bụng sau khi ăn loại thực phẩm này.
Chứng kiến cảnh các lực lượng chức năng bắt giữ cả tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm ở địa chỉ số 4 đường nước Phần Lan, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội, nhiều người không khỏi bàng hoàng khi kiểm tra gần 1 tấn cánh gà được đóng trong 65 bao tải dứa (loại 15 kg/túi), để dưới nền nhà đang chờ tiêu thụ.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra, xử lý hơn 200 vụ việc kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng; xử phạt hành chính hơn 2 tỷ đồng và tiêu hủy tang vật trị giá gần 1,4 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia về thực phẩm, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giả mạo nguồn gốc xuất xứ có thể tiềm ẩn nguy cơ chứa chất cấm, tồn dư kháng sinh, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật… gây bệnh cho người sử dụng.
Đối với chất bảo quản thực phẩm, công dụng giúp giữ cho thực phẩm được lâu hơn là điều mà không ai có thể phủ nhận. Thế nhưng, khi sử dụng các chất bảo quản thực phẩm sẽ đem đến những tác hại cho cơ thể sau: Nếu dùng chất bảo quản thường xuyên trong khoảng một thời gian dài sẽ làm suy yếu các mô tim, hoặc gây ra các bệnh hen suyễn, viêm phế quản và càng nguy hiểm hơn đối với đối tượng người già. Việc dùng thường xuyên còn gây ra chứng béo phì ở một số người vì nó còn có chứa axit béo và gây ra những chứng tăng động ở trẻ em…
Do vậy, người tiêu dùng cần cân nhắc khi sử dụng thực phẩm đông lạnh, khi mua các loại thực phẩm qua mạng cần tìm hiểu kỹ thông tin về chủng loại sản phẩm (thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hay thực phẩm đã chế biến); thành phần cấu thành sản phẩm, giá trị dinh dưỡng; yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, thời điểm sản xuất, hướng dẫn sử dụng đối với từng loại sản phẩm và điều kiện bảo quản. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh, điện thoại… có thể kiểm chứng được thông tin sản phẩm.
Công Chuyền