Đặc biệt, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã ký ban hành Kế hoạch số 184/KH-UBND về hội nhập quốc tế của TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của TP, DN Thủ đô cũng như các sản phẩm thương hiệu Việt nói chung, Hà Nội cần phát triển đồng bộ các yếu tố của nền kinh tế thị trường như: Tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DN Nhà nước, thực hiện công khai, minh bạch hóa tài chính và kết quả hoạt động của DN Nhà nước; Từng bước tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng đối với DN thuộc thành phần kinh tế khác; Phát triển thị trường vốn - tài chính hiện đại, minh bạch. Đồng thời, tích cực hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, dân tộc, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và các lĩnh vực khác…
Trong đó, về công tác hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn, Hà Nội sẽ tăng cường đầu tư, xây dựng nông thôn mới; Tập trung phát triển nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Đồng thời, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp Phó Chủ tịch cấp cao kênh truyền hình CNN - Mỹ trong dịp gần
Đối với hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, Thủ đô cũng đẩy mạnh công tác đối ngoại, hợp tác, giao kết với nhiều quốc gia, nhất là trong khu vực và các cường quốc phát triển. Đặc biệt, Thủ đô sẽ mở rộng hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường sự hiểu biết và nâng cao vị thế quốc tế của Thủ đô; Tạo dựng và nâng cao mức độ tin cậy, minh bạch hóa chính sách và thực hiện nghiêm túc, nhất quán các cam kết quốc tế; Mở rộng hợp tác hiệu quả giữa Thủ đô Hà Nội với Thủ đô, địa phương các nước mà Việt Nam đã và đang tham gia các cam kết quốc tế, hiệp định thương mại tự do. Từ đó, đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh, nâng cao uy tín của Việt Nam và Hà Nội trên trường quốc tế…
Theo Kế hoạch, UBND TP Hà Nội giao Sở Công Thương là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế TP Hà Nội. Đây là cơ quan đôn đốc, theo dõi tình hình thực hiện Kế hoạch, với định kỳ (6 tháng và 1 năm) tổng hợp, báo cáo UBND TP. Các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã được phân công chủ động và tổ chức thực hiện. Định kỳ, trước 15/6 và 15/12 hàng năm, yêu cầu các đơn vị gửi báo cáo về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo.
Thanh Ba