Tại Dự thảo, 16 lĩnh vực độc quyền được chia làm 2 nhóm gồm hàng hóa và dịch vụ.
Về hàng hóa, Nhà nước sẽ độc quyền ở lĩnh vực quốc phòng, an ninh; sản xuất, phân phối, xuất nhập khẩu vật liệu nổ công nghiệp; sản xuất vàng miếng, vàng nguyên liệu; phát hành sổ xố kiến thiết; nhập khẩu thuốc lá; đo đạc bản đồ phục vụ quốc phòng.
Về lĩnh vực dịch vụ, Nhà nước độc quyền trong dịch vụ hoa tiêu hàng hải; dịch vụ công đảm bảo an toàn hàng hải; bảo đảm hoạt động bay; xuất bản; in, đúc tiền; quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt; trồng và bảo vệ rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Theo Dự thảo, Nhà nước chỉ thực hiện độc quyền trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền hoặc các thành phần kinh tế khác không có khả năng tham gia. Độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại phải được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Với ngành điện, Nhà nước chỉ nắm độc quyền trong khâu vận hành thủy điện đa mục tiêu, điện hạt nhân, và khâu truyền tải, điều độ, vận hành các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.
Dự thảo Nghị định không đề cập đến lĩnh vực xăng dầu vì việc kinh doanh xăng dầu không còn mang tính độc quyền nữa, như khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng tại Báo cáo thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua. Theo đó, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP đều có thể tham gia kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ