Đáng chú ý nữa là một số dự án xin điều chỉnh tăng vốn đều thuộc những lĩnh vực Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư, nhằm tận dụng lợi thế về công nghệ và cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy, xét từ nhiều khía cạnh và tiêu chí thì hoạt động đầu tư nước ngoài đang có xu hướng hồi phục, đi vào thực chất hơn so với thời gian trước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 4, cả nước thu hút được hơn 8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, bằng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau tháng 5-2018, xu hướng phục hồi của dòng vốn này đã rõ nét hơn.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 5 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư nước ngoài gồm đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần đạt 9,9 tỷ USD, bằng 81,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Mặc dù kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa tương xứng với kết quả công cuộc cải cách của Chính phủ, song nhận định chung ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, chưa thể nhận xét chắc chắn về sự suy giảm nguồn vốn này cho cả năm 2018 vì hiện tại chưa hết quý II.
Trong 5 tháng qua, do chưa có những dự án quy mô lớn, nên kết quả thu hút vốn nhìn chung thấp hơn cùng kỳ năm 2017. Nhưng, nếu xuất hiện một vài dự án “tỷ đô” bức tranh đầu tư nước ngoài sẽ thay đổi...
Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và chính quyền một số địa phương đang trông đợi một số thỏa thuận, ý định đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển hóa thành dự án khả thi cụ thể. Đó sẽ là những "cú hích" đáng giá, góp phần kích hoạt dòng vốn nước ngoài “chảy” vào Việt Nam nhiều hơn trong các tháng tới.
Trong đó, đáng chú ý nhất là 2 dự án của Singapore, gồm Dự án Laguna Lăng Cô của Tập đoàn Banyan Tree vừa được chấp thuận đăng ký tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD và Dự án đầu tư, phát triển điện khí Dung Quất của nhà đầu tư Sembcorp với quy mô trên 2 tỷ USD, thực hiện theo biên bản ghi nhớ với tỉnh Quảng Ngãi.
Mặt khác, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiên trì định hướng chọn lọc, đề cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài để hướng mạnh vào một số lĩnh vực phù hợp, có yếu tố công nghệ hiện đại kết hợp bảo vệ môi trường.
Vì vậy, các dự án đầu tư nước ngoài sẽ được sàng lọc kỹ; việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng chuyển dần từ sự ưu đãi, sang chọn lọc sao cho phù hợp với từng địa phương để tăng tối đa hiệu ứng lan tỏa và giá trị gia tăng của dòng vốn này.
Phân tích tình hình thu hút đầu tư nước ngoài 5 tháng qua có thể thấy một số dự án xin điều chỉnh tăng vốn đều thuộc những lĩnh vực Việt Nam đang chú trọng thu hút đầu tư, nhằm tận dụng lợi thế về dây chuyền sản xuất, công nghệ và cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đơn cử, Dự án LG Innotek tăng vốn 501 triệu USD (nâng tổng vốn đầu tư đăng ký lên 1,05 tỷ USD) nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất module camera tại Khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng); hay việc tăng thêm 120 triệu USD vốn đầu tư của Công ty TNHH Kefico Việt Nam nhằm sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ tại Hải Dương...
Như vậy, xét từ nhiều khía cạnh và tiêu chí thì hoạt động đầu tư nước ngoài đang có xu hướng hồi phục, đi vào thực chất hơn so với thời gian trước.
Theo báo Hà Nội mới