Thứ Sáu, 22/11/2024 22:44:09 GMT+7
Lượt xem: 3687

Tin đăng lúc 21-01-2016

Thu hút đầu tư theo đúng định hướng

Theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 vừa được UBND TPHCM phê duyệt, định hướng thu hút đầu tư sẽ tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ lực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.
Thu hút đầu tư theo đúng định hướng
Ảnh minh họa

Trong đó, TPHCM định hướng thị trường trọng điểm thu hút đầu tư trong năm 2016 là Mỹ, Canada, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia.

 

Đặc biệt, Thành phố sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đón làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản, trong đó phải kể đến việc thành lập cơ quan một cửa dành riêng (Japan desk) để hỗ trợ thông tin tối đa cho các nhà đầu tư đến từ "đất nước Mặt trời mọc". 

 

Dự kiến, trong năm 2016, TPHCM sẽ tổ chức 108 hoạt động xúc tiến thương mại-đầu tư với tổng kinh phí từ ngân sách Thành phố là 20 tỉ đồng.

 

Theo định hướng đó, năm 2016, Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM (Hepza) có kế hoạch thu hút 700 triệu USD vốn FDI, trong đó ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu theo định hướng thu hút đầu tư của TPHCM (các ngành cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, hóa chất-cao su-nhựa, chế biến lương thực thực phẩm).

 

Cũng theo Hepza, nhiều DN đã đầu tư tại các KCN của TPHCM trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp hỗ trợ, điện tử… đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư để đón những cơ hội từ những hiệp định thương mại song phương, đa phương mà Việt Nam tham gia. Trong đó, không ít DN trong lĩnh vực dệt may đã thực hiện tăng vốn đầu tư trong thời gian gần đây.

 

Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TPHCM, trong năm 2015 Thành phố đã cấp mới hơn 500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 2,8 tỉ USD, tăng 9,4% số dự án và giảm 2,4% về vốn so với năm 2014.

 

Trong năm 2015 có 145 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 700 triệu USD, tăng 5,1% về số dự án và tăng 82,6% về vốn điều chỉnh. Tính chung, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 3,5 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

 

Hiện nay, trên địa bàn TPHCM có 5.765 dự án đầu tư FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là gần 38,94 tỉ USD.

 

Trong 2 tuần đầu năm 2016, Hepza đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 30 triệu USD.

 

Theo các chuyên gia, thành công nhất không phải ở số lượng dự án, hay số vốn đầu tư lớn, mà chính là việc thu hút đầu tư vào những ngành nghề theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp TPHCM phát triển bền vững trong tương lai.

 

Trong các ngành công nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sử dụng hàm lượng khoa học công nghệ cao như công nghiệp phần mềm, điện tử, tin học, công nghiệp dược phẩm…

 

Cụ thể, đầu tư FDI năm 2015 vào lĩnh vực dệt may cao cấp chiếm 71,75%, hóa chất 9,33%, thực phẩm 5,93%, cơ khí 4,83%, nhựa cao su 4,48%, dịch vụ 3,15%...

 

Theo đó, tốc độ phát triển công nghiệp của khối FDI luôn cao hơn tốc độ phát triển chung của toàn ngành, chiếm trên 35% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Thành phố.

 

Tỉ trọng xuất khẩu của khối DN FDI cũng chiếm tới 38,4% tổng kim ngạch xuất khẩu với đóng góp đáng kể của các DN gia công trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, cơ khí và thiết bị phục vụ cho các ngành này.

 

Nguồn: Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang