Theo báo cáo từ Sở Công Thương Sơn La, hiện tỉnh đã thành lập được 4 CCN, trong đó 2 cụm do doanh nghiệp (DN) làm chủ đầu tư và 2 cụm do ban quản lý cấp huyện làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng. Hiện chỉ có 2/4 CCN đang hoạt động, thu hút được nhà đầu tư thứ cấp với tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%.
Một số dự án trong các CCN đang hoạt động tốt, như: Nhà máy may công nghiệp của Công ty CP may Phù Yên, Xí nghiệp giày Phù Yên của Công ty CP giày Ngọc Hà, Công ty CP sản xuất tre công nghiệp Mộc Châu… tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Mặc dù các CCN trên địa bàn tỉnh bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên, số lượng cụm thu hút DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, DN đầu tư thứ cấp quá ít. Nguyên nhân được xác định là do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Các cụm được quy hoạch xa trung tâm, không thuận lợi vận chuyển, thuê nhân công. Các thủ tục về đất đai, môi trường, đầu tư xây dựng còn nhiều vướng mắc khiến CCN không hấp dẫn được DN, làm chậm tiến độ đầu tư hạ tầng.
Để khuyến khích, thu hút đầu tư vào phát triển CCN, UBND tỉnh Sơn La đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 có 5 CCN, đóng góp 5-8% giá trị sản xuất công nghiệp (700-1.000 tỷ đồng); năm 2025 có 8 CCN, đóng góp 10-12% giá trị sản xuất công nghiệp (1.500-1.800 tỷ đồng).
Đáng nói, Sơn La đã loại ra khỏi quy hoạch 20 CCN. Điều đó cho thấy, tỉnh rất quyết liệt trong việc loại bỏ những cụm không đủ điều kiện phát triển, kém khả năng thu hút đầu tư. Việc loại bỏ này giúp tỉnh dồn nguồn lực đầu tư cho các cụm có tiềm năng, tạo sự chuyển biến mạnh cho phát triển CCN.
Để quy hoạch điều chỉnh được thực hiện hiệu quả, đồng thời tạo cơ chế mở thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng và các dự án đầu tư thứ cấp, Sơn La đã xây dựng nhiều giải pháp ngắn và dài hạn.
Theo đó, tỉnh sẽ lựa chọn CCN để ưu tiên đầu tư lập quy hoạch chi tiết. Ưu tiên lập, duyệt quy hoạch hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật kết nối bảo đảm đi trước, đồng bộ với hạ tầng của CCN. Cụ thể, dành ngân sách đầu tư cho hạ tầng kết nối với CCN, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng chung trong nội bộ CCN. Huy động tổng hợp các nguồn vốn để bảo đảm đầu tư theo tiến độ hàng năm. Lựa chọn các chủ đầu tư có năng lực để bố trí đầu tư trong cụm. Ban hành cơ chế đổi mới thủ tục, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư hạ tầng và DN đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm đươc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi hoặc vay vốn thương mại có chi phí thấp.
Ngoài ra, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch. Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, chú trọng xúc tiến theo ngành; lồng ghép hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển CCN với các chương trình xúc tiến đầu tư lớn của tỉnh. Ban hành cơ chế hỗ trợ thu hút đầu tư, tập trung vào mặt bằng, đào tạo nghề, cước phí vận chuyển… với các ngành nghề đặc thù, mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội.
Đến năm 2025, Sơn La dự kiến có 8 CCN với tổng nhu cầu vốn cho xây dựng, phát triển là 714 tỷ đồng. Tỉnh sẽ huy động tổng hợp các nguồn vốn để bảo đảm đầu tư theo tiến độ hàng năm.
Nguồn Báo Công Thương