Thứ Sáu, 22/11/2024 01:01:01 GMT+7
Lượt xem: 1539

Tin đăng lúc 21-07-2019

Thu hút FDI: “Gạn đục khơi trong”

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 6 tháng đầu năm chưa đạt được như kỳ vọng. Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là làm sao có thể sàng lọc được vốn FDI, chỉ như vậy mới đạt mục tiêu hiệu quả về lan tỏa FDI, phát triển công nghiệp phụ trợ.
Thu hút FDI: “Gạn đục khơi trong”
Tiêu chí thu hút FDI giúp Việt Nam có chỗ đứng trong chuỗi giá trị

FDI tăng trưởng bất ổn

 

Báo cáo của Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội) vừa công bố cho thấy, dòng vốn FDI tăng trưởng không ổn định qua các quý từ năm 2018 đến nay. 6 tháng đầu năm 2019, vốn FDI tăng 9,7% - cao hơn mức 8,5% của cùng kỳ năm ngoái, nhưng chưa đuổi kịp được tốc độ của khu vực ngoài nhà nước. Tính đến cuối tháng 6, có 1.723 dự án cấp phép mới, tăng 26,1%; vốn đăng ký đạt 7.411,8 triệu USD, giảm 37,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018.

 

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2019: Kết quả và góc nhìn” do Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài - đánh giá, từ cuối năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, vốn đầu tư có nguồn gốc Trung Quốc gia tăng đột biến vào Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách - cho rằng, nếu không có chọn lọc, DN FDI Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động đến môi trường, điều kiện lao động…

 

Trong khi đó, với những nước Việt Nam cần thu hút đầu tư như Mỹ thì vẫn chưa có chuyển biến. Mỗi năm Mỹ đầu tư ra nước ngoài 300 tỷ USD, nhưng chỉ đầu tư vào Việt Nam hơn 300 triệu USD. Hay với EU, tính lũy kế đến cuối tháng 12/2018 mới đầu tư hơn 24 tỷ USD vào Việt Nam - một con số hết sức khiêm tốn.

 

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là làm sao có thể sàng lọc được vốn FDI, chỉ như vậy mới đạt mục tiêu hiệu quả về lan tỏa FDI, phát triển công nghiệp phụ trợ.

 

Cần một hệ thống tiêu chí cụ thể hơn

 

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Toàn, cho dù quan trọng nhưng sàng lọc vốn FDI là bài toán không dễ. Không thể sàng lọc bằng ý thức chủ quan mà phải có những văn bản pháp luật, tiêu chí cụ thể. Những tiêu chí này cần được xây dựng trên cơ sở khoa học, nhưng để có được những tiêu chí này phải xác định thế nào là công nghệ cao, công nghệ nguồn và những chính sách ưu tiên cho từng loại hình…

 

Hiện nay, nước ta chưa có tiêu chí cụ thể, vẫn “nhìn” nhà đầu tư để chọn dự án. Do đó, Chính phủ và các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ phải làm rất chặt chẽ để xây dựng được bộ tiêu chí thu hút FDI. Đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi cách thức thu hút FDI, không thể tiếp tục thu hút FDI bằng mọi giá. “Khi chúng ta còn thừa lao động, thiếu vốn, chúng ta có thể chấp nhận ưu đãi để thu hút được FDI, nhưng bây giờ chúng ta phải đặt những tiêu chí cao về lao động, vốn, công nghệ, về môi trường… Nếu có bộ máy sàng lọc tốt, tiêu chí cụ thể, Việt Nam có thể thu hút vốn FDI tốt, ngay cả với vốn Trung Quốc” - ông Toàn nói.


Cùng với bộ lọc phù hợp, vấn đề nâng cao năng lực của các DN trong nước cũng là câu hỏi lớn. Vấn đề đang đặt ra là tại sao các tập đoàn lớn như: Samsung, LG, Intel… vào Việt Nam mà DN Việt không làm được phụ trợ cho họ, khiến họ phải kéo cả các DN làm phụ trợ sẵn có vào Việt Nam. Đó là điều Việt Nam cần xem xét và khắc phục.

 

Ông Nguyễn Văn Toàn- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài:

Để tăng khả năng hấp thụ nguồn vốn FDI, đưa DN Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, các DN đầu đàn của Việt Nam cần phải đi đầu, những tập đoàn có nguồn vốn tốt cần phát triển năng lực, tăng sức cạnh tranh ở quốc gia cũng như trong khu vực.

 

Theo congthuong.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang