Việt Nam vẫn là thị trường quan trọng
Như vậy sau một thời gian bị rơi xuống vị trí thứ 2 sau các nhà đầu tư Hàn Quốc, những tháng đầu năm 2018 các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã lấy lại ngôi vị quán quân trong đầu tư tại Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Nhật Bản vào Việt Nam tăng đột biến trong 7 tháng đầu năm là dự án thành phố thông minh do liên doanh Sumitomo (Nhật Bản) và tập đoàn BRG đầu tư chính thức được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn lên tới 4,138 tỷ USD.
Ngoài lý do trên, tại cuộc họp báo công bố kết quả đối thoại lần thứ XI giữa liên đoàn các Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại các nước ASEAN tổ chức mới đây, ông Hiroyuki Ishige – Chủ tịch Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cũng nhận định: Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang dần được đổi mới và hoàn thiện thông qua những chính sách cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hải quan mạnh mẽ, giúp tháo gỡ khó khăn cho DN trong việc thông quan hàng hóa, xin cấp phép đầu tư. Đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng.
Trước đó, công bố của JETRO cũng cho thấy, trên 65% DN Nhật Bản cho biết họ có lãi khi đầu tư tại Việt Nam và khoảng 70% DN Nhật Bản dự kiến sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Kết quả DN Nhật Bản cam kết mở rộng sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cao hơn rất nhiều so với các quốc gia lân cận như Trung Quốc 48,2%; Thái Lan 47,2%; Indonesia 51,4% và Philippines 63,4%...
Tại buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vào giữa tháng 7/2018 mới đây, ông Hiroyuki Ishige khẳng định, Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức nhân chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Nhật Bản diễn ra vào cuối tháng 5/2018 được giới DN Nhật Bản đánh giá cao, mở ra làn sóng đầu tư mới của DN Nhật Bản vào Việt Nam trong thời gian tới.
Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Thừa nhận môi trường kinh doanh tại Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn, song các DN Nhật Bản vẫn chỉ ra những tồn tại cần khắc phục. Trong đó, sự yếu kém trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CHNT) khiến tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam hiện mới đạt 33,2%, thấp hơn nhiều Trung Quốc với 67,3%; Thái Lan 56,8%. CNHT kém phát triển cũng khiến cho liên kết giữa DN Việt Nam và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nói chung và DN FDI Nhật Bản nói riêng bị hạn chế, giảm sức lan tỏa của dòng vốn FDI đến khu vực DN và kinh tế trong nước.
Ngoài ra, theo ông Koji Ito – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, cơ sở hạ tầng lạc hậu cũng làm mất đi cơ hội để Việt Nam thu hút được các dự án lớn, cơ hội để DN Việt Nam liên kết với khu vực FDI và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Koji Ito cho rằng, nếu Chính phủ quy định chính sách tài khóa quá chặt chẽ, cụ thể là hạn chế quy mô nợ công dưới 65% GDP thì sẽ cản trở đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Để giải quyết vấn đề cơ sở hạ tầng, ông Koji Ito đề xuất, Chính phủ cần có biện pháp xử lý căn nguyên thực sự của vấn đề và có biện pháp căn bản như tăng cường cải cách cơ cấu ở cả hai chiều thu – chi ngân sách, cũng như rà soát lại hiệu quả sử dụng nợ công hiện nay, để có nguồn vồn cần thiết đầu tư cho cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh tập trung giải quyết “nút thắt” CNHT và cơ sở hạ tầng, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng cho rằng, để hấp dẫn FDI, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho DN hoạt động và cương quyết xử lý những sai phạm, nhũng nhiễu, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Theo báo Công Thương