Vốn đầu tư từ Mỹ, EU còn thấp…
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, theo báo cáo đầu tư nước ngoài thế giới của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), thu hút đầu tư nước ngoài thế giới liên tục giảm trong ba năm gần đây, đặc biệt là các nước G7, EU, Mỹ, Trung Quốc...
Trong khi đó, đầu tư nước ngoài của các nước ASEAN là một điểm sáng khi tăng liên tục trong cùng thời gian đó. Việt Nam đã vượt qua Thái Lan đứng thư ba trong ASEAN trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2018 với 15 tỷ USD và trong tốp 20 thế giới (Singapore: 70 tỷ USD, Indonesia: 21 tỷ USD, Thái Lan: 11 tỷ USD).
Tuy nhiên, nếu nhìn vào hiệu quả đầu tư nước ngoài thể hiện ở các khía cạnh: Tham gia chuỗi giá trị hàng hóa, giá trị gia tăng tại Việt Nam, công nghiệp phụ trợ, tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết nối hợp tác doanh nghiệp đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong nước... thì Việt Nam còn xếp hạng khá khiêm tốn trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Toàn phân tích thêm, về chất lượng nguồn vốn FDI, ngoài các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc, thì Mỹ và EU có nguồn vốn chất lượng cao song đầu tư vào Việt Nam còn khá hạn chế so với quan hệ thương mại và tiềm năng. Theo số liệu đầu tư thế giới của UNCTAD, mỗi năm Mỹ đầu tư ra nước ngoài khoảng 300 tỷ USD. Trong khi đó, số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2018, số vốn đăng ký của Mỹ đầu tư vào Việt Nam là 550 triệu USD, con số tương tự của Trung Quốc là 2,464 tỷ USD (cao gấp gần 5 lần Mỹ).
Tính đến hết năm 2018, Mỹ đứng thứ 11 trong các quốc gia vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với số vốn đăng ký là hơn 9,3 tỷ USD. Tương tự như vậy, với EU, tình hình cũng không khả quan hơn, tổng số vốn đăng ký của 28 nước trong liên minh châu Âu - EU đầu tư vào Việt Nam đến tháng 12/2018 khoảng hơn 25 tỷ USD, trong khi đó, Cộng hòa liên bang Đức đứng thứ 18 đầu tư vào Việt Nam với số vốn đang ký gần 1,95 tỷ USD (trong khi mỗi năm đầu Đức tư ra nước ngoài khoảng 70 tỷ USD). Một con số rất khiêm tốn so với tiềm năng thu hút FDI từ Mỹ và EU vào Việt Nam.
“Tuy đã có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư vào Việt Nam, nhưng phải chăng chúng ta chưa có môi trường đầu tư đủ hấp dẫn và có tính chọn lọc để thu hút được nhiều hơn các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực về tài chính và công nghệ đến từ các nước phát triển có công nghệ cao, công nghệ nguồn đầu tư vào Việt Nam” - ông Nguyễn Văn Toàn nhận định.
Mặc dù, các nhà đầu tư từ EU và Mỹ đánh giá khá cao môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, song họ cũng còn một số quan ngại như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tính minh bạch, sự thay đổi thường xuyên của hệ thống luật pháp, chính sách về đầu tư, đặc biệt là luật hóa các nội dung bảo đảm đầu tư để nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia có công nghệ cao, công nghệ nguồn có thể yên tâm đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Hoàn thiện thể chế, chính sách
Cũng theo ông Nguyễn Văn Toàn, ngày 20/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 50 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên có Nghị quyết chỉ đạo chiến lược về đầu tư nước ngoài, đủ thấy vai trò rất quan trọng của đầu tư nước ngoài.
Mục tiêu tổng quát trong Nghị quyết là: Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác đầu tư nước ngoài. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030.
“Có thể thấy rõ hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư nước ngoài chính là xa lộ để đi đến mục tiêu nâng cao chất lượng hiệu quả của đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, nó vừa mang tính đột phá, vừa mang tính cơ bản, chiến lược lâu dài” - ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh và cho rằng, trong quá trình soạn thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, ban soạn thảo đã bám sát tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị và yêu cầu xây dựng Luật.
Trong đó bảo đảm thi hành đầy đủ, nhất quán những cải cách của Luật Đầu tư gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật Đầu tư và các luật có liên quan đến đầu tư, kinh doanh; bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam…
Tuy nhiên, trong dự thảo Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp,về bảo đảm đầu tư, không có nội dung bổ sung và sửa đổi điều 13 trong Luật Đầu tư 2014 quy định về bảo đảm đầu tư trong trường hợp pháp luật thay đổi. Theo điều 13 thì các dự án đầu tư chỉ được đảm bảo về ưu đãi đầu tư, còn các điều kiện đầu tư khác dù đã được quy định trong Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư nhưng không được bảo đảm.
Do đó, trong Luật sửa đổi một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, cần sửa điều 13 của Luật Đầu tư 2014 như sau: Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư cao hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư đang được hưởng thì nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của văn bản pháp luật mới cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
Trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành quy định ưu đãi đầu tư thấp hơn ưu đãi đầu tư mà nhà đầu tư được hưởng trước đó thì nhà đầu tư được tiếp tục áp dụng ưu đãi đầu tư theo quy định trước đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án.
Còn trong trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành có những quy định mâu thuẫn với các nội dung, quy định, điều kiện trong Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp cho nhà đầu tư một cách hợp pháp, thì nhà đầu tư được tiếp tục được thực hiện theo Giấy phép đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp, trừ trường hợp nhà đầu tư lựa chọn thực hiện theo văn bản pháp luật mới ban hành.
Theo Báo Công Thương