Dự án mới giảm 37,8%, giải ngân giảm 3,5%
Dự án LG Display của Hàn Quốc tại thành phố Hải Phòng đăng ký tăng vốn 1,4 tỷ USD đã làm “xoay chuyển” tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đưa tổng nguồn vốn này trong 9 tháng năm 2021 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kết quả của 9 tháng không phản ánh đầy đủ thực trạng, vì chỉ có 3 dự án quy mô trên 1 tỷ USD, còn lại đều là các dự án nhỏ và trung bình. Số dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 37,8%; giá trị góp vốn, mua cổ phần giảm 43,8% so với cùng kỳ năm trước. Và, điều lo ngại nhất là mức giải ngân vốn chỉ đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với 9 tháng năm 2020.
Nguyên nhân trước hết là do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm suy giảm hoạt động đầu tư trên diện rộng. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu bị bào mòn, ảnh hưởng đến lượng vốn vào Việt Nam, chưa kể sự cạnh tranh trong thu hút vốn giữa các quốc gia ngày càng tăng.
Còn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, việc hạn chế nhập cảnh và chính sách cách ly dài ngày đã giảm thiểu hoạt động khảo sát hoặc làm các thủ tục đầu tư của các đoàn chuyên gia tại Việt Nam. Ngoài ra, việc giãn cách xã hội và hạn chế di chuyển của người lao động trong các khu công nghiệp đã làm đình trệ sản xuất, giảm công suất và sản lượng của doanh nghiệp, tác động không nhỏ đến tâm lý nhà đầu tư.
Trên thực tế, do đình trệ hoạt động hoặc thiếu hụt lao động nên đã có trường hợp nhà đầu tư phải chấp nhận chuyển đơn hàng sang địa bàn khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Lê Hữu Bình, đại diện Công ty Jabil Việt Nam (thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị đã cắt giảm 70% công suất nên bị đối tác hủy một số đơn hàng sản phẩm điện tử để chuyển cho doanh nghiệp của nước khác.
Về nguyên nhân chủ quan, Việt Nam đang thực hiện chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng sẽ “khó tính” hơn trong cấp phép đầu tư, loại bỏ các dự án công nghệ cũ, ít giá trị gia tăng, sử dụng mặt bằng lớn.
Tìm giải pháp khắc phục
Thực trạng suy giảm rất cần được sớm điều chỉnh vì tuy chỉ là bất khả kháng, tạm thời, nhưng nếu kéo dài thì có khả năng nhà đầu tư sẽ chuyển sản xuất sang nước khác. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, ưu tiên cao nhất hiện nay là sớm kiểm soát dịch bệnh, trên cơ sở đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đồng thời từng bước mở lại nền kinh tế có kiểm soát chặt chẽ.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung đề xuất, Việt Nam nên theo dõi diễn biến phòng, chống dịch Covid-19 của thế giới, nhất là những đối tác, thị trường lớn để kịp thời mở cửa. Không thể chậm trễ mà phải song hành, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện an toàn để thúc đẩy làn sóng đầu tư.
Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Hữu Thắng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, việc các cấp, ngành, địa phương tăng cường đồng hành với nhà đầu tư, có hỗ trợ kịp thời là điều hết sức quan trọng. “Trước khó khăn của nhà đầu tư, cần có cách giải quyết nhanh, linh hoạt để duy trì chuỗi sản xuất và cung ứng”, ông Phan Hữu Thắng nói.
Đây cũng là kiến nghị của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam Inoue Souichi cho biết, nhà đầu tư Nhật Bản còn nhiều dự án đang chờ phê duyệt, vì vậy rất cần được hỗ trợ rút ngắn thủ tục hành chính để triển khai hoạt động càng sớm càng tốt.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư giữa các quốc gia thì càng phải tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư. Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng: “Tác động, kết quả do cải cách thể chế, thủ tục hành chính luôn mang lại hiệu quả thiết thực với nhà đầu tư. Họ được thụ hưởng quyền lợi thông qua sự minh bạch, tiết kiệm thời gian, tuân thủ quy định, giảm thiểu chi phí…”.
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, bên cạnh tập trung xúc tiến, quảng bá tiềm năng để thu hút vốn từ những đối tác truyền thống (điển hình như Samsung Electronics của Hàn Quốc đầu tư dài hạn sản xuất điện thoại di động, máy tính bảng và luôn đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả Việt Nam), Bộ cũng đa dạng hóa, tìm kiếm vốn đầu tư ở những khu vực mới. Điển hình như khu vực Trung Đông - nơi có các quỹ đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD, sẵn sàng đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng như hạ tầng, hóa dầu, năng lượng…
Về những ảnh hưởng do dịch Covid-19, tại hội nghị trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp” ngày 20-9, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẳng định, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sớm khôi phục và ổn định sản xuất, kinh doanh. Phó Thủ tướng giao các địa phương là đầu mối giải quyết, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ sát cánh cùng địa phương, doanh nghiệp.
Theo Hanoimoi.com.vn