Điểm nhấn là chất lượng
Theo Bộ KH&ĐT, điểm nhấn của Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018 - 2023 (hay Chiến lược thu hút FDI thế hệ mới) là tập trung vào chất lượng. Theo đó, tập trung vào các dự án lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đồng thời, tăng cường liên kết FDI với khu vực DN trong nước. Sự chuyển dịch này xuất phát từ những tồn tại của dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam sau 30 năm (1987 - 2018). Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã có đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tạo việc làm, song FDI vẫn bộc lộ những tồn tại nhất định như ô nhiễm môi trường, chưa tạo được sức lan tỏa đến khu vực DN trong nước... Nhằm khắc phục tồn tại, Nghị quyết số 103/NQ- CP do Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tháng 8/2013 nêu rõ, chất lượng thu hút FDI cần được cải thiện về giá trị và hiệu ứng lan tỏa cho phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011- 2020.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, sự thay đổi trong Chiến lược thu hút FDI giai đoạn 2018 - 2023 không chỉ phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà còn phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang diễn ra mạnh mẽ, cũng như các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia đã, đang và chuẩn bị hiệu lực.
Theo ông Wim Douw - chuyên gia cao cấp về Chính sách đầu tư và thương mại (Ngân hàng Thế giới) - thu hút FDI của Việt Nam trước đây chủ yếu dựa vào lợi thế lao động giá rẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Những lợi thế này đang dần mất đi trong bối cảnh CMCN 4.0, cần thiết phải có chiến lược mới trong thu hút FDI.
Chấm dứt chạy đua ưu đãi
Để đạt được mục tiêu thu hút FDI thế hệ mới, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, các địa phương cần chấm dứt chạy đua ưu đãi trong thu hút FDI. Thực tế thời gian qua, rất nhiều địa phương đã đưa ra những chính sách ưu đãi "vượt khung" nhằm lôi kéo nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, để thu hút được những dự án FDI có chất lượng, Việt Nam cần có kế hoạch xúc tiến đầu tư rõ ràng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực cần đẩy mạnh thay vì chỉ thu hút chung chung như trước đây. Cùng với đó, "có những chính sách ưu đãi cụ thể đối với những dự án FDI lớn đầu tư vào lĩnh vực khoa học - công nghệ, có sức lan tỏa và thân thiện với môi trường", - ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - cho biết.
Số liệu từ Bộ KH&ĐT cũng cho biết, Việt Nam có nguồn lao động dồi dào, song chưa tới 20% lao động có trình độ chuyên môn, còn lại 80% là lao động phổ thông. Do đó, để thu hút được FDI chất lượng, bên cạnh thay đổi chiến lược thu hút và chính sách xúc tiến đầu tư, cần nâng cao chất lượng nguồn lao động. Đặc biệt, để đạt được mục tiêu thu hút FDI giai đoạn 2018 - 2023, Việt Nam cần đưa ra những chính sách cụ thể, buộc các nhà đầu tư nước ngoài tăng tỷ lệ nội địa hóa khi đầu tư tại Việt Nam. Chính sách này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, mà còn thúc đẩy sự lan tỏa của FDI đến DN trong nước.
Nguồn Báo Công Thương