Trước lễ tuyên dương, Hòa Linh và mẹ được Chủ tịch Nước mời và đón tiếp tham quan ăn, nghỉ tại Phủ Chủ tịch trong thời gian 4 ngày, được tặng áo, tặng quà và chụp ảnh chung với Phó Chủ tịch Nước - Nguyễn Thị Doan. Hòa Linh cùng các thủ khoa khác rất vui mừng vì được biết Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có chủ trương tiếp nhận các Thủ khoa về làm việc, nhưng học xong rồi Linh cũng không biết xin việc ở đâu. Linh tiếp tục trở lại trường xin thi vào học Cao học và kết quả là đến tháng 4 năm 2014, Hòa Linh đã tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Quản lý kinh tế với điểm tốt nghiệp loại giỏi.
Sinh trưởng trong một gia đình nghèo có 3 chị em, bố làm thợ mộc, mẹ làm ruộng ở quê, mọi điều kiện phục vụ cho việc học hành đều thiếu thốn, công việc thợ mộc với các việc nặng như: bào, cưa, cắt gỗ rồi đóng các sản phẩm bàn, ghế, giường tủ... vv từ xưa đến nay đều do các thanh niên và đàn ông trong làng đảm nhận. Là người con và chị lớn trong nhà, khi còn học đại học ở nội thành Hà Nội, cứ đến cuối tuần Linh lại về quê cưa, xẻ gỗ, tính toán cắt gỗ để phụ việc cho bố làm ra sản phẩm lấy tiền nuôi sống gia đình và bản thân. Linh chỉ còn rất ít thời gian dành cho việc học, nhưng nhờ tính chịu khó, chịu khổ, bản chất rất thông minh nên Linh đã vượt qua hết mọi khó khăn để trở thành một sinh viên giỏi rồi lại trở thành Thủ khoa đại học.
Phí Thị Hoà Linh trong những ngày về quê
Ngược dòng thời gian, xã Chàng Sơn từ ngày lập làng đã có truyền thống khoa cử. Tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám, Hà Nội cũng đã có được vinh danh 4 vị tiến sỹ thời Hậu Lê và thời Lê Trung hưng là: Tiến sỹ Nguyễn Thiều, Đỗ Đạt, Phùng Đốc( Thời Hậu Lê) và Nguyễn Côn (thời Lê Trung hưng). Sau này cũng có nhiều người học và tốt nghiệp đại học, hiện nay con số cả xã cũng đã có hàng trăm, cũng có một số đạt được học vị Tiến sỹ, nhưng để đạt được danh hiệu Thủ khoa Đại học thì chưa có một người nào mà lại là nữ thì càng hiếm, cả làng và cả dòng họ chưa có người nào đạt được đến vinh dự ấy. Thiết nghĩ, ngày xưa sau khoa thi Đình, người đỗ đầu bảng được vua phong danh hiệu cao quý Trạng nguyên, được ban mũ, áo về làng làm vinh hiển cả quê hương, dòng tộc. Nhìn xa một tý trong lịch sử khoa bảng thì thấy cả tỉnh Sơn Tây (ngày xưa) có người đỗ đạt cao nhất mới chỉ đạt đến vị trí thứ ba trong “Tam khôi”. Đó là cụ Thám hoa (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa) Giang Văn Minh ở làng Đường Lâm. Còn lại các vị đỗ cao đều ở hàm tiến sỹ.
Vừa qua tôi về quê có đến thăm gia đình em Hòa Linh, nhìn gia cảnh thấy quả là khó khăn, căn nhà chật hẹp, điện không đủ sáng, tấm ảnh chụp chung với phó Chủ tịch Nước cũng chả có chỗ mà treo phải buộc tạm vào cái dây trên chiếc gương cũ. Hỏi về công việc của em thì em nói :“Cháu chả biết đi xin việc ở đâu, chỉ biết học xong rồi lại về làm nghề thợ mộc với bố”. Thông cảm và thương cho một tài năng của đất nước tôi cũng không biết ai, gõ cửa nào để giúp cho cháu Linh. Tôi viết bài này rất mong các cơ quan hữu trách hãy lên tiếng giúp đỡ và đón nhận Thủ khoa Phí Thị Hòa Linh đến làm việc để cháu có cơ hội cống hiến trí tuệ và kiến thức cho xã hội. Hãy đừng bỏ qua và làm lãng phí một tài năng mà không phải lúc nào và bao giờ cũng có sẵn!
Nguyễn Quang Tình