Trước khi diễn ra buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và các thành viên đoàn công tác liên ngành Trung ương đã đi khảo sát thực tế hoạt động thương mại biên giới (TMBG) nói chung, trong đó có phương thức tạm nhập tái xuất (TNTX)… tại nhiều khu vực trên địa bàn TP. Móng Cái và cửa khẩu Bắc Phong Sinh - huyện Hải Hà vào ngày 14/1.
Tại buổi làm việc, báo cáo với Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và đoàn công tác về hoạt động TNTX, chuyển khẩu (CK), Kho ngoại quan (KNQ) qua các cửa khẩu trên địa bàn Quảng Ninh theo thông tư 05/2014 của Bộ Công Thương, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh - Nguyễn Mạnh Hà cho biết: Với tinh thần trách nhiệm cao trong việc quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh TNTX và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động kinh doanh TNTX hàng hóa trên địa bàn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng để UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý hoạt động tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu trong Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phân công nhiệm vụ cụ thể và gắn chặt trách nhiệm quản lý của các ngành chức năng, các địa phương biên giới, các đơn vị có liên quan và các doanh nghiệp tham gia thực hiện tái xuất hàng hóa. Đến nay công tác phối hợp quản lý theo Quy chế vẫn được duy trì, chặt chẽ và đảm bảo tính kịp thời trong xử lý, điều hành giải quyết những vấn đề phát sinh.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và đoàn công tác liên ngành nghe báo cáo của Sở Công Thương Quảng Ninh
Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cũng cho biết, từ khi Thông tư 05/2014/TT-BCT có hiệu lực, các mặt hàng và cửa khẩu, điểm thông quan tái xuất hàng hóa được mở rộng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tập trung khai thác lợi thế kinh doanh; hệ thống kho tàng bến bãi, máy móc thiết bị, phương tiện bốc xếp được hoạt động trở lại. Từ đó, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động trực tiếp, hàng ngàn chủ phương tiện vận tải thủy, bộ và hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh kho, bến, bãi, ngân hàng, bảo hiểm. Đặc biệt quan trọng là tạo nguồn thu nhập ổn định cho lao động địa phương và cư dân biên giới; hoạt động này đóng góp tích cực trong việc đưa dân ra biên giới...
Mặc dù hàng hóa kinh doanh theo phương thức TNTX không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu, nhưng thông qua hoạt động này tại khu vực biên giới, hàng năm các doanh nghiệp đã đóng góp cho ngân sách địa phương thông qua việc nộp phí, lệ phí sử dụng bến bãi là 712,6 tỷ đồng. Đồng thời, các doanh nghiệp còn có những đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước thông qua việc nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và tham gia đóng góp phúc lợi xã hội, hoạt động từ thiện nhân đạo cho nhân dân khu vực biên giới.
Ngoài ra, hoạt động TNTX & KNQ diễn ra sôi động tại các địa phương biên giới, đã tạo sức thu hút đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước trên mọi lĩnh vực.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - Lê Quang Tùng, Giám đốc Sở Công Thương và Lãnh đạo các ngành: Biên phòng, Hải quan, Công an, Cục thuế, Ban quản lý cửa khẩu... đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất cho phát triển TMBG nói chung và hoạt động TNTX nói riêng.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh phát biểu
Thay mặt đoàn công tác liên ngành, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá cao nỗ lực của UBND tỉnh Quảng Ninh và các ban ngành, các cấp chính quyền các địa phương biên giới trong quản lý hoạt động TMBG, cũng như hoạt động TNTX & KNQ trên địa bàn. Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh đã kịp thời ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo các hoạt động TNTX, công bố các cửa khẩu, quy hoạch kho bãi, lựa chọn thương nhân. Đáng chú ý, các lực lượng chức năng đã nỗ lực cải cách hành chính trong tổ chức điều hành, giải quyết thủ tục tạo thuận lợi cho hoạt động TMBG, nên kim ngạch XNK trong các năm 2014, 2015, 2016 tăng đều với tốc độ rất khích lệ.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đánh giá: “Trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, về cơ bản các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh đã kiểm soát được tình hình, không để xảy ra vụ việc lớn trên địa bàn tỉnh về buôn lậu, gian lận thương mại và cũng không có cảnh tồn đọng hàng TNTX tại khu vực biên giới Quảng Ninh”.
Trước khi khép lại buổi làm việc, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng giải đáp, cho ý kiến về những đề nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Ninh, nhằm phát triển TMBG phát triển bền vững. Thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương, các bộ ngành Trung ương rất mong muốn các địa phương, cần có một quan điểm thống nhất cao hơn nữa về khái niệm, về vị trí vai trò TMBG, cũng như tính lịch sử của các loại hình TNTX, KNQ. Từ đó, Thứ trưởng cũng nêu ra ra nhiều đề nghị của đoàn công tác cho hoạt động lâu dài của TMBG.
Hàng do Việt Nam sản xuất có thể XK qua biên giới theo đường chính ngạch, nhưng cũng có thể đi theo tiểu ngạch. Tuy nhiên, cần có quan điểm kiên quyết, từng bước hướng dần đi theo con đường XK chính tắc. Theo đó, tất cả việc điều hành chính sách, nên đi theo hướng dần thương mại chính tắc và tất cả các đầu tư lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, cũng như các địa phương khác nên lấy thương mại chính tắc làm nền tảng phát triển” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khuyến nghị.
Nguồn Báo Công Thương