Theo đó, Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao tinh thần cam kết, quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Đồng thời bày tỏ tin tưởng Bộ trưởng Trần Tuấn Anh sẽ lãnh đạo Bộ Công Thương và ngành Công Thương hoàn thành xuất sắc, toàn diện mọi nhiệm vụ trong năm 2018, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của đất nước. Thủ tướng mong muốn tinh thần cam kết, quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ lan tỏa trong Bộ và ngành Công Thương. Đồng thời có biện pháp biến quyết tâm thành những hành động cụ thể, thiết thực để thúc đẩy sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại với tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo và hiệu quả.
Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cam kết nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch năm 2018. Văn bản nêu rõ, năm 2018, nhận thức được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra là rất thử thách và có ý nghĩa quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; với phương châm hành động đã được Chính phủ đề ra là năm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ Công Thương đã và đang tập trung tổ chức triển khai quyết liệt từ những ngày đầu năm các nhiệm vụ công tác được giao. Trong đó tập trung vào những việc trọng tâm như hoàn thành việc xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; các Nghị quyết khác của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất, đồng bộ, hiệu quả những nội dung nhiệm vụ theo các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6 khóa XII và các Nghị quyết của Quốc hội. Bộ đang tiếp tục nỗ lực, tập trung triển khai tiếp các nội dung công việc, nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu, đổi mới phương thức quản lý và tạo môi trường thuận lợi thông thoáng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trọng tâm gồm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 50% điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương. Tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược, trọng tâm là xây dựng hoàn thiện thể chế nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp (DN) công nghiệp; đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại DN nhà nước thuộc Bộ một cách thực chất; thực hiện Kế hoạch Cơ cấu lại trong lĩnh vực công nghiệp và Đề án Phát triển thương mại trong nước… Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, hướng tới phục vụ người dân, DN.
Bộ trưởng cam kết đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, đặc biệt là cơ cấu lại một cách thực chất các ngành công nghiệp, nhằm tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để tiến tới hình thành thị trường năng lượng cạnh tranh, đảm bảo sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành Công Thương đặt ra là tiếp tục đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các DN nhà nước thuộc ngành Công Thương theo Kế hoạch sắp xếp đổi mới DN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho giai đoạn 2016 – 2020. Tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN để mở rộng xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa thông qua việc thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường kiểm tra kiểm soát đối với những chương trình, dự án thuộc phạm vi quản lý của Bộ bằng việc giao kế hoạch cụ thể cho từng lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm quản lý để thực hiện việc kiểm tra, giám sát theo định kỳ, kịp thời phát hiện vướng mắc, sai phạm để có biện pháp giải quyết. Cùng với công tác xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, coi công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và có ý nghĩa quyết định tới việc hoàn thành các mục tiêu kế hoạch của ngành Công Thương được giao trong năm 2018 cũng như những năm tiếp theo.
Nguồn Báo Công Thương