Kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển
Chủ trì cuộc thảo luận với các bộ, ngành, tổ chức quốc tế và chuyên gia kinh tế về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững diễn ra vào chiều 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức hơn là cơ hội và thuận lợi do dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nước; lạm phát tăng cao, đồng tiền của nhiều quốc gia mất giá; cạnh tranh chiến lược gay gắt...
Cùng với đó, việc thay đổi định hướng chính sách ở nhiều nước làm thu hẹp thị trường, tác động đến các chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là xuất, nhập khẩu, giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại trong bối cảnh khó khăn để vừa bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy quan hệ với các nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn về thu-chi, xuất-khập khẩu, năng lượng, lương thực-thực phẩm và lao động.
GDP quý II tăng 7,72% (tốc độ cao nhất trong 11 năm qua), góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm. Đến thời điểm này, chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước; giá xăng dầu trong nước được đưa về mức trước khi xảy ra xung đột tại Ukraine; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 tỷ USD…
Cũng đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm, bà Hà Thị Kim Nga, chuyên gia kinh tế cao cấp, đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng: Kinh tế Việt Nam phục hồi rất mạnh mẽ và trên diện rộng, thành tích tiêm chủng xuất sắc giúp Việt Nam mở cửa trở lại các hoạt động. Việt Nam cũng đã dự trữ ngoại hối khá đầy đủ để triển khai các chính sách vĩ mô.
“IMF đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 từ mức 6% trước đây lên 7%; đồng thời giữ nguyên mức dự báo lạm phát với Việt Nam trong năm 2022” – bà Hà Thị Kim Nga thông tin.
Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết: Triển vọng phát triển kinh tế và lạm phát tại châu Á đang trở nên tồi tệ hơn, nhưng các số liệu vẫn cho thấy Việt Nam có triển vọng phục hồi rất tốt; dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm sau.
Tương tự, ông Shimizu Akira - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định, Việt Nam đang phục hồi rất nhanh và vững chắc sau dịch Covid-19 trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn.
Bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định, kinh tế và môi trường vĩ mô tại Việt Nam khá tốt, quá trình phục hồi đi đúng hướng, nhu cầu trong nước phục hồi, ngành sản xuất trong nước tăng trưởng tốt. Theo đó kỳ vọng, Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 7%, lạm phát khoảng 3,8% trong năm 2022; tin rằng nền kinh tế Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, trong đó có việc thúc đẩy các gói hỗ trợ kinh tế, các dự án đầu tư công đang được triển khai – được đánh giá là rất phù hợp với kinh tế số, phát triển xanh, hướng tới mô hình phát triển mới bền vững hơn và mục tiêu trở thành đất nước phát triển trong vài chục năm tới.
Giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm
Tuy nhiên, bên cạnh những đánh giá tích cực, một số tổ chức quốc tế đã chỉ ra một số điểm hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước, như: Nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức cao; cơ cấu tín dụng tiềm ẩn rủi ro, nhất là tín dụng bán lẻ và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể, các dự án lớn, hạ tầng quan trọng, việc chậm giải ngân ảnh hưởng đến huy động các nguồn vốn, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ và người dân, có nguy cơ “đội vốn” gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi thảo luận
Đặc biệt, độ mở nền kinh tế Việt Nam đang ở mức cao, khi tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 200% GDP, dễ bị tổn thương trước các biến động từ bên ngoài; khu vực đầu tư nước ngoài đang chi phối độ mở của nền kinh tế, trong khi đó khu vực kinh tế trong nước lại thiên về hướng nội, kết nối kém với khu vực đầu tư nước ngoài nói riêng và các chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung.
Cùng với đó, áp lực răng giá ngày càng gia tăng khi lạm phát từ bên ngoài đã bắt đầu ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất trong nước, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã xuất hiện người dân hạn chế đầu tư mở rộng sản xuất, tái đàn, tái vụ do giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao
Liên quan đến vấn đề này, bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới cho rằng, thách thức hiện nay của Việt Nam là bảo đảm cân bằng giữa phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát, đòi hỏi hết sức linh hoạt và nhanh nhạy khi điều phối chính sách tài chính và tiền tệ.
Phát biểu tại cuộc làm việc, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng thống nhất cho rằng, lạm phát tại Việt Nam chủ yếu là do chi phí đẩy, trong đó nguyên nhân chủ yếu do giá xăng dầu từ tác động trên thế giới. Đây là điểm cần lưu ý khi triển khai các giải pháp, với khuyến nghị cần kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng liên quan tới giá xăng dầu, nhất là các mặt hàng giảm giá chậm so với giá xăng dầu.
Đặc biệt, tình hình kinh tế thế giới những tháng tới đây dự báo có nhiều diễn biến khó lường, lạm phát gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới có thể tác động đến nền kinh tế trong nước. Do đó, các ý kiến đều nhấn mạnh, ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố quan trọng mà Việt Nam cần quan tâm trong thời điểm này.
Trước những khó khăn đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Chính phủ xác định tình hình tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, do đó tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục phối hợp hài hòa, hợp lý, đồng bộ, chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả. Phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, quan điểm định hướng chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô trong thời gian tới là tuyệt đối không được chủ quan, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự báo và kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành, sử dụng chủ động, linh hoạt và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các công cụ chính sách để thực hiện ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn, củng cố và phát triển các loại trường vốn, thị trường bất động sản một cách an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững, kiểm soát dịch bệnh, dự báo được rủi ro, nâng cao khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Congthuong.vn