Sáng 10/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm tháo gỡ "điểm nghẽn' trong triển khai Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế.
Chỉ rõ những kết quả đạt được trong tháo gỡ "điểm nghẽn" Đề án 06 và đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, thứ nhất, đã có sự chuyển biến tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu nhằm tháo gỡ 05 "điểm nghẽn" trong triển khai Đề án 06 và Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023.
Thứ hai, công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý đồng bộ, minh bạch, hiệu lực được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực.
Thứ ba, triển khai Dịch vụ công trực tuyến ngày càng sâu rộng, hiệu quả.
Thứ tư, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành tiếp tục được đẩy mạnh, tạo tiện ích trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến tới người dân, doanh nghiệp.
Thứ năm, hạ tầng số được quan tâm đầu tư và đạt một số kết quả tích cực, nhất là Trung tâm dữ liệu quốc gia đang được tích cực triển khai.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, công tác triển khai Đề án 06 và kết nối, chia sẻ dữ liệu trong thời gian tới vẫn đối diện một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vẫn chậm so với yêu cầu. Phát triển hạ tầng số còn nhiều bất cập, chưa khắc phục được tình trạng "manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu".
Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi còn chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng tấn công mạng có xu hướng gia tăng. Quản lý thuế, nhất là thu thuế với dịch vụ livestream, thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống ở các địa phương… còn thất thoát. Công tác tuyên truyền về triển khai Đề án 06 chưa được thường xuyên, liên tục, nhất là về mô hình hay, cách làm tốt, hiệu quả để các nơi tham khảo, học tập, nhân rộng.
Theo Thủ tướng, trong thời gian tới, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, trong đó có việc triển khai hiệu quả Đề án 06 và phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, nhiệm vụ đặt ra cho chúng ta là hết sức nặng nề nhưng vô cùng quan trọng và không kém phần vẻ vang.
Do đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu, thời gian tới, các cấp, ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm", phát huy quyết tâm "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cân đong đo đếm được", "chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân và Luật Dữ liệu; sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử để thay thế Nghị định số 59/2022/NĐ-CP. Khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Căn cước, đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý dân cư; thống nhất phương án đơn giản hóa triệt để 317 thủ tục hành chính liên quan đến khai thác dữ liệu công dân.
Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tham mưu Chính phủ về đề xuất sửa đổi các Luật và văn bản hướng dẫn liên quan đến thương mại điện tử, nhất là Luật Bảo vệ người tiêu dùng; nghiên cứu xây dựng Chiến lược phát triển thương mại điện tử nhằm quản lý, phát triển bền vững các nền tảng thương mại điện tử trong nước, xuyên biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm tính cạnh tranh và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng.
Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về áp dụng hóa đơn điện tử đối với các giao dịch thương mại điện tử, dịch vụ livestream, dịch vụ ăn uống...
Bộ Thông tin và Truyền thông khẩn trương xây dựng, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Giao dịch điện tử (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024); Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Bộ Nội vụ khẩn trương xây dựng, hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành các văn bản thi hành Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Văn phòng Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ ban hành Nghị định liên thông điện tử với 02 nhóm thủ tục hành chính liên thông; hoàn thiện tài liệu hướng dẫn mô hình mẫu về Bộ phận một cửa cung cấp dịch vụ công theo hướng kết hợp bộ phận một cửa của các đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn.
Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân; đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Cùng đó, đẩy mạnh tích hợp đồng bộ, liên thông giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia để phát triển Chính phủ số và thúc đẩy các giao dịch thương mại trên môi trường số được an toàn; đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế và thực hiện đồng bộ các giải pháp về hóa đơn điện tử.
Báo cáo tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Qua 1 năm triển khai Công văn số 452, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt để tháo gỡ các “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án. Các bộ, ngành, địa phương đã có những giải pháp cụ thể để thực hiện.
Theo đó, đã xác định 6 điểm nghẽn về: pháp lý; dịch vụ công trực tuyến; hạ tầng công nghệ; dữ liệu; an ninh, an toàn bảo mật; nguồn lực triển khai. Cơ quan Thường trực Đề án 06 (Bộ Công an) đã xác định 6 nguyên nhân, 6 bài học kinh nghiệm và 35 nhiệm vụ cần tập trung triển khai trong thời gian tới. |
Theo congthuong.vn