Nhấn mạnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2016 là phiên họp Chính phủ thứ 2 sau khi Quốc hội khóa XIV bầu Thủ tướng và phê chuẩn các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Chúng ta đã nói nhiều về phương châm hành động của Chính phủ mới. Chúng ta thể hiện ý chí phát triển, khát vọng vươn lên thông qua những chương trình, hành động cụ thể, yêu cầu, chỉ tiêu cụ thể chứ không phải bằng lời nói”.
Chuyển biến từ lời nói đến hành động
Thủ tướng nhìn nhận, đã có sự chuyển biến bước đầu trong việc biến “lời nói thành hành động” như chất lượng các văn bản chính sách được nâng lên, cải cách hành chính có chuyển biến; chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương trong bộ máy hành chính cũng như trong xã hội, trước hết tập trung vào những vụ việc nóng bỏng, dư luận xã hội quan tâm như ô nhiễm môi trường, phá rừng, vi phạm trật tự xã hội, trật tự đô thị… Chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai đã quyết liệt hơn. Tình hình kinh tế-xã hội đạt một số kết quả tích cực, xuất khẩu, thu hút FDI, số doanh nghiệp thành lập mới, giải ngân khá hơn. Một số địa phương tổ chức xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã trăn trở, nỗ lực tìm tòi, áp dụng những quan điểm mới, cách tư duy, phương pháp mới trong chỉ đạo, điều hành. Nhiều ý kiến của người dân, doanh nghiệp phản hồi tích cực về hoạt động của Chính phủ.
Mặc dù vậy, “người dân đã nghe chúng ta nói, thấy có chuyển biến trong hành động, tuy nhiên chưa phải đồng bộ và cũng không phải cấp nào, ngành nào, cơ quan nào cũng quyết liệt. Bây giờ, đã đến lúc nhân dân muốn nhìn thấy những kết quả cụ thể, để thấy sự nhất quán “nói đi đôi với làm” và làm có kết quả", Thủ tướng nêu rõ.
Nêu việc Việt Nam tăng 3 bậc về chỉ tiêu môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Thủ tướng cho rằng, vẫn cần cố gắng nhiều hơn bởi còn một số chỉ số giảm bậc như chỉ số thương mại qua biên giới, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư giảm 1 bậc. Theo Thủ tướng, điều đáng mừng và cũng đáng lo là Việt Nam đứng thứ 5 trong ASEAN về môi trường kinh doanh (theo xếp hạng của WB) trong khi chúng ta đang quyết tâm vào tốp 4 của ASEAN trong bối cảnh các nước cũng đẩy mạnh cải cách.
“Tôi nói thông tin trên để các Bộ trưởng cần chỉ đạo tập trung hơn, có đột phá hơn, kể cả giải pháp nhân sự, tức là nếu anh làm không tốt, gây cản trở, không chịu đổi mới, không hướng vào người dân và doanh nghiệp thì phải thay thôi”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu phải có khát vọng, quyết tâm cao hơn nữa để cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.
Cho rằng khó khăn, thách thức trước mắt còn rất lớn, Thủ tướng nêu rõ, cần tập trung đánh giá tình hình, bổ sung giải pháp hữu hiệu hơn, có những việc phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tập trung vào những điểm nghẽn để có điều chỉnh phù hợp, nhất là đối với một số chính sách vĩ mô.
Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, dịch vụ để đạt mức tăng trưởng cao nhất. Ổn định kinh tế vĩ mô để tăng trưởng trong dài hạn, lưu ý kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải phóng mọi nguồn lực xã hội, thúc đẩy khởi nghiệp, tạo điều kiện cơ bản cho tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại của năm, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu đã đề ra.
Chỉ đạo quyết liệt chống lãng phí trong đầu tư, mua sắm công, tiết kiệm chi tiêu ngân sách. Thực hiện các biện pháp quản lý tài sản công tốt hơn.
Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả
Tập trung xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ của các bộ, cần rà soát tổng thể, xem xét mối quan hệ giữa các bộ, tránh chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không có chủ thể chịu trách nhiệm đến cùng. Bộ máy phải gọn, hiệu quả, hiệu lực, chỉ đạo thông suốt, đề cao tinh thần liêm chính, trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của cán bộ.
Cho rằng xã hội hóa chính là lối ra của giảm biên chế và cân đối ngân sách, huy động nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ KH&ĐT thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, điều phối chính sách chung của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT phải thường xuyên giao ban, làm việc với các Bộ trưởng, trưởng ngành để chủ động có giải pháp phù hợp, kịp thời đối với từng lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm sự vận hành đồng bộ, hiệu quả chung của nền kinh tế.
Với vai trò tham mưu trưởng về kinh tế, báo cáo của Bộ KH&ĐT phải sát đúng với tình hình thực tế và phải có phân tích, đánh giá sâu, làm rõ nguyên nhân; không nêu chung chung mà phải đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với từng lĩnh vực, gắn với giải quyết khó khăn, vướng mắc. Sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 với trọng tâm là tạo lập môi trường bình đẳng, thị trường đóng vai trò quyết định trong phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Mục tiêu, giải pháp thực hiện phải cụ thể, đo lường được, với lộ trình rõ ràng, để có thể quản lý và đánh giá kết quả tái cơ cấu một cách thực chất.
Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm lạm phát đạt mục tiêu đề ra. Xử lý nợ xấu một cách thực chất. Nếu không xử lý dứt điểm căn nguyên gây nợ xấu thì tiếp tục phát sinh nợ xấu mới, không thể giảm mặt bằng lãi suất bền vững.
Công khai thông tin nộp thuế của các doanh nghiệp lớn
Bộ Tài chính tiếp tục chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước. Cần công khai thông tin nộp thuế của các doanh nghiệp lớn, trong đó có doanh nghiệp FDI. Chỉ đạo lập dự toán ngân sách nhà nước bảo đảm tiêu chí, định mức rõ ràng, công khai, minh bạch, khả thi về nguồn lực, không có sự mặc cả giữa địa phương với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan về giao dự toán ngân sách. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tránh dồn vào cuối năm.
Bộ Công Thương giải quyết quyết liệt hơn những giải pháp bảo đảm tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, phải báo cáo những bất cập của ngành mình là gì từ những vấn đề như xuất khẩu gạo, ứ đọng than cũng như nguy cơ có thể xảy ra thất thoát ở tập đoàn, tổng công ty lớn.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu về những yêu cầu năng lực quản trị của các cấp, các ngành trong thực hiện cam kết thương mại quốc tế: “TPP quy định thời gian thông quan một lô hàng là 24 giờ. Với thực trạng kinh tế, môi trường kinh doanh và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay thì bao giờ chúng ta thực hiện được cam kết này?”, Thủ tướng lấy ví dụ và nhấn mạnh xuất khẩu là một kênh tăng trưởng quan trọng nên Bộ Công Thương cần rà lại các chính sách về xuất nhập khẩu.
Bộ NN&PTNT đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản. Bộ Y tế đẩy mạnh phòng chống dịch bệnh mùa mưa lũ.
Thủ tướng giao Bộ Nội vụ có giải pháp, cơ chế đột phá trong công tác tuyển dụng, đánh giá, sử dụng, sa thải công chức, viên chức để tạo ra được hệ thống hành chính vì doanh nghiệp, nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu khuyến khích việc thực hiện những mô hình đột phá sáng tạo trong phát triển kinh tế ở các địa phương, các đặc khu kinh tế, các cơ chế thí điểm cơ chế đặc thù. Ngoài ra, cần tăng cường nghiên cứu, áp dụng kinh nghiệm tốt hỗ trợ cho việc thực hiện bộ chỉ số cho phép người dân, DN đánh giá chất lượng dịch vụ công, đặc biệt ở cấp tỉnh phải mạnh mẽ hơn, đi vào phục vụ người dân hơn.
Để môi trường xấu thì không được công nhận thi đua
Bộ TN&MT tiếp tục cải thiện chất lượng dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai. Đặc biệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về bảo vệ môi trường. “Sang năm, xét thi đua, anh nào để môi trường xấu, không được công nhận thi đua, kể cả anh làm tốt các chỉ tiêu khác”, Thủ tướng nói.
Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường 4 tỉnh miền Trung do Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình làm Trưởng ban, sẽ chỉ đạo việc hỗ trợ người dân, chủ yếu là hỗ trợ sản xuất lâu dài với tinh thần công khai để nhân dân biết. Cán bộ nào mà tiêu cực trong hỗ trợ thì phải xử lý nghiêm.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ trách nhiệm của ngành mình, tỉnh Hà Tĩnh làm rõ trách nhiệm của địa phương mình trong vụ Formosa.
Bộ Ngoại giao có kế hoạch triển khai những kết quả của Hội nghị ngoại giao 29; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong giải quyết những vấn đề phát triển lớn của Việt Nam, như Hà Lan chống nước biển dâng, Israel canh tác trên sa mạc…
Bộ TT&TT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an tăng cường bảo đảm an toàn an ninh mạng. Tăng cường quản lý nhà nước về thông tin.
Bộ Quốc phòng rà soát lại toàn bộ phương tiện luyện tập, đặc biệt các máy bay chiến đấu để bảo đảm an toàn cho các quân nhân. Kiểm điểm nghiêm túc nguyên nhân và trách nhiệm đối với từng vụ tai nạn trong huấn luyện vừa qua, đặc biệt gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc bảo đảm an toàn cho các chiến sĩ.
Cho rằng tội phạm vẫn là nỗi lo lắng của nhân dân, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an cần đấu tranh, trấn áp, xử lý nghiêm, kịp thời các loại tội phạm, từ tội phạm công nghệ cao tới tội phạm hình sự.
Các bộ, ngành, địa phương phải chủ động thực hiện nghiêm các kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ, các Phó Thủ tướng trong các nghị quyết, chỉ thị, văn bản chỉ đạo điều hành, làm rõ nguyên nhân trách nhiệm.
Nhắc lại nội dung cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 29/8 về chủ trương cổ phần hóa một số doanh nghiệp lớn như Tổng Công ty Bia Sài Gòn (Sabeco), Tổng Công ty Bia Hà Nội (Habeco), Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần công khai minh bạch, đưa lên sàn chứng khoán, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm. “Chúng ta phải làm việc này thật bài bản, để tối đa hóa lợi ích cho nhà nước, bảo đảm công bằng giữa các nhà đầu tư, tạo niềm tin cho xã hội và để chương trình cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tiếp theo có nề nếp, cứ thế mà làm. Không để xảy ra tình trạng thất thoát do cổ phần hóa”. Nguồn vốn thu được từ cổ phần hóa phải sử dụng hiệu quả, không được lãng phí.
Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh cần nhất quán trong thực hiện chủ trương cải cách, chủ động linh hoạt, điều chỉnh nhưng không thay đổi mục tiêu chính sách, từng bước nâng cao niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhân dân vào chính sách.
Nguồn Chinhphu