Thứ Sáu, 22/11/2024 17:14:01 GMT+7
Lượt xem: 1620

Tin đăng lúc 02-06-2019

Thủ tướng: Đất nước cần nhiều doanh nghiệp như Viettel

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) hôm nay, 1/6, Thủ tướng “đặt hàng” Viettel trở thành tập đoàn công nghiệp và công nghệ hùng mạnh, mang tầm khu vực và thế giới. Đất nước cần nhiều doanh nghiệp như Viettel.
Thủ tướng: Đất nước cần nhiều doanh nghiệp như Viettel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đất nước cần nhiều doanh nghiệp như Viettel.

Thành lập năm 1989, Sigelco (tiền thân của Viettel) có nhiệm vụ chuyển một phần cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm của quân đội sang làm kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Sau 30 năm, những người lính làm kinh tế đã gây dựng Viettel trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 500 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu. Viettel đã hiện diện tại 17 quốc gia, trong đó đầu tư và kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài, doanh thu hằng năm đạt hơn 10 tỷ USD, tương đương với 3% GDP của Việt Nam.

 

Đánh tan quan niệm DNNN khó có thể làm ăn có hiệu quả

 

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng về chặng đường 30 năm ra đời và phát triển của Viettel với những đột phá mạnh mẽ để “hôm nay đã trở thành một tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam, có tên tuổi trên trường quốc tế”.

 

Viettel là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam hiện đạt đẳng cấp quốc tế, có khả năng cạnh tranh trực tiếp với các tâp đoàn hàng đầu khu vực và thế giới.

 

Năm 2019 Viettel được tổ chức quốc tế uy tín (Brandfinance) đánh giá có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam (4,3 tỷ USD), thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất thế giới.

 

Viettel là một tập đoàn nhà nước tiêu biểu, minh chứng vai trò quan trọng của doanh nghiệp Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN, làm ăn có lãi, hiệu quả hàng đầu của Việt Nam.

 

Viettel nằm trong Top 30 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Doanh thu hơn 10 tỷ USD một năm, lợi nhuận hàng năm đạt khoảng 40-45 nghìn tỷ đồng (trước thuế); nộp ngân sách khoảng 35 - 40 nghìn tỷ đồng.

 

“Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, minh chứng sống động cho sự hiệu quả và vai trò quan trọng của DNNN trong những lĩnh vực trọng yếu, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội, đánh tan quan niệm DNNN khó có thể làm ăn có hiệu quả”, Thủ tướng nói. Điều đó cho thấy bài học dù doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nào thì con người và quản trị là mấu chốt của thành công.

 

“Các đồng chí đã áp dụng thành công các chuẩn mực quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế. Đảng, Nhà nước mong muốn có thật nhiều doanh nghiệp như Viettel”, Thủ tướng nói.

 

Viettel làm tốt kinh tế, vừa làm tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng, đã trở thành tập đoàn quốc phòng - kinh tế lớn nhất, chủ động nghiên cứu và nhận nhiệm vụ nghiên cứu, làm chủ công nghệ đối với các thiết bị khí tài quân sự.

 

Viettel là một doanh nghiệp đi đầu trong đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ, đạt trình độ quốc tế về công nghệ mạng lõi, hạ tầng viễn thông. Xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển 30 năm qua, Viettel luôn phát huy và thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, có những đóng góp đột phá trong phát triển về chất của nền công nghiệp và công nghệ quốc phòng Việt Nam.

 

Viettel là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên, xây dựng tập đoàn trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, là niềm tự hào của Việt Nam. 

 


Sau 10-30 năm nữa, Viettel sẽ như thế nào?
 

Nhân dịp này, Thủ tướng nêu ra 3 vấn đề  để “chúng ta cùng suy ngẫm”. Một là, văn hóa Viettel, triết lý Viettel, tinh thần Viettel là sức mạnh của Viettel. Đây là điều tưởng như không liên quan đến kinh tế, sản xuất kinh doanh nhưng thực ra đây chính là nền tảng cho thành công trong sản xuất kinh doanh, cho những người muốn đi đường xa để có thể phát triển bền vững.

 

“Tôi hết sức ấn tượng khi đến thăm Viettel thấy treo nhiều khẩu hiệu trong hội trường, ngoài hành lang, nhà làm việc và xưởng sản xuất. Đó là những triết lý hết sức sâu sắc, toát lên bản sắc văn hóa, tinh thần, thái độ làm việc và khát vọng của Viettel”, Thủ tướng chia sẻ.

 

“Các đồng chí không ngừng gây dựng và bồi đắp văn hóa doanh nghiệp khác biệt, luôn nhận việc khó, thách thức cao, luôn có cách tiếp cận khác biệt, đổi mới sáng tạo, luôn tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp và tài năng cho mọi thành viên, trở thành một trong những môi trường làm việc đáng mơ ước ở Việt Nam, là địa điểm hội tụ và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ cao”.

 

Hai là, đội ngũ cán bộ, công nhân viên của Viettel năng động, sáng tạo, tràn đầy hoài bão, đoàn kết và luôn tận tâm với công việc, là tài sản quý giá nhất, là sức mạnh vật chất của Tập đoàn Viettel. Những thành tích của Viettel trong suốt 30 năm qua trước hết là thuộc về đội ngũ nhân lực. Thủ tướng đề nghị Viettel chú trọng gìn giữ và phát huy 2 nguồn sức mạnh đã đưa Tập đoàn tiến lên thành công.

 

Ba là, với sức mạnh tinh thần và sức mạnh vật chất ấy, sau 10, 20, 30 năm nữa Viettel sẽ như thế nào, Thủ tướng đặt vấn đề. Trong báo cáo của Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel có nêu, 30 năm qua, lịch sử Viettel nằm trọn vẹn trong những thành tựu chung của đất nước thời kỳ đổi mới. Vậy 10-30 năm tới, đâu sẽ là cốt lõi của Viettel tương lai? Thủ tướng cho rằng, đó là công nghệ, là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như “chính chúng ta đã nói, không ai trong chúng ta có thể dự đoán chắc chắn những gì mà công nghệ sẽ mang lại cho cuộc sống của chúng ta. 30 năm trước, chúng ta không thể biết rằng, một cái gì đó gọi là internet sẽ làm nên một cuộc cách mạng kinh tế, chưa khi nào công nghệ lại có thể tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như lúc này. Lịch sử cho thấy có những doanh nghiệp không chỉ cung cấp cho thế giới những sản phẩm dịch vụ tuyệt vời mà quan trọng hơn, họ đã làm thay đổi thế giới, phương thức sống và sinh hoạt của con người", Thủ tướng nói và cho biết ông cảm nhận rất rõ tất cả sự đam mê và khát vọng, tinh thần dám nghĩ, dám làm của hơn 50.000 cán bộ, công nhân viên tập đoàn.

 

Thủ tướng nêu rõ, công nghệ là nhân tố chính để tăng trưởng kinh tế, thoát bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam trở thành một nước phát triển. Trong thời gian tới, Việt Nam không chỉ hấp thụ công nghệ để làm chủ công nghệ và tích lũy năng lực mà sẽ còn cần phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường, có nền kinh tế phát triển, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, bảo đảm an ninh quốc phòng, đủ sức bảo vệ Tổ quốc.

 

“Chưa khi nào mà công nghệ lại có thể tạo ra những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt với truyền thống như lúc này, chưa khi nào chúng ta có thể nhìn thấy cơ hội đưa đất nước bứt phá rõ ràng như lúc này”. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Viettel đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0.

 

 

Thủ tướng thăm trưng bày các sản phẩm công nghệ của Tập đoàn Viettel.


Viettel cần đứng vào top 10 doanh nghiệp viễn thông thế giới
 

Thủ tướng đề nghị Viettel làm tốt một số nhiệm vụ, trước hết là xây dựng Viettel trở thành tập đoàn công nghiệp và công nghệ hùng mạnh, mang tầm khu vực và thế giới, là nơi sản sinh ra các công nghệ và cung cấp sản phẩm công nghệ cao có giá trị toàn cầu.

 

Đến năm 2025, Viettel cần đạt mục tiêu đứng trong nhóm 10 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới, duy trì tốc độ tăng trưởng từ 10% trở lên, trong đó công nghiệp công nghệ cao đóng góp 5% tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận.

 

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Viettel đứng trong nhóm nhà sản xuất công nghệ cao có quy mô công nghiệp hàng đầu thế giới, có số sản phẩm cốt lõi đi trước và vượt trội, tạo ra tiêu chuẩn quốc tế.

 

Viettel cần vươn lên sánh vai, vượt ra so với Huawei, ZTE, Ericsson, Google, Facebook, thậm chí cả Samsung…

 

Thứ 2, Viettel cần thực hiện tốt trách nhiệm là doanh nghiệp quan trọng trong chuyển đổi số quốc gia, tập trung vào chuyển đổi số Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội. Nhanh chóng triển khai 5G và các hạ tầng đáp ứng cơ hội phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Tích cực tham gia “Make in Việt Nam” – sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.

 

Thứ 3, phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp quốc phòng công nghệ cao và sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, nhất là thiết bị hạ tầng mạng. Chú trọng phát triển các công cụ và giải pháp đảm bảo an ninh mạng hiệu quả cao, luôn sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, góp phần bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ đất nước "từ sớm, từ xa". Viettel phải xác định luôn đi đầu, là đội ngũ nòng cốt trong lĩnh vực này.

 

Thứ 4, Viettel cần giữ mô hình kiểu mẫu về doanh nghiệp nhà nước: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện; nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất mà Đảng, Nhà nước giao; liên tục tạo ra thách thức mới; lấy khó khăn làm môi trường để rèn luyện, trưởng thành và thành công; cạnh tranh toàn cầu; thu nhập dựa trên hiệu quả.

 

Thứ năm, Viettel phải bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản của quốc gia. Tiếp tục đổi mới công nghệ quản trị, đặc biệt là áp dụng mô hình và công nghệ quản trị số, kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ, chuẩn mực quốc tế với sáng tạo giải pháp quản trị của riêng mình. Đồng thời không ngừng bồi đắp và làm sâu sắc hơn các giá trị cốt lõi của văn hóa Viettel, tinh thần Viettel trong bối cảnh nhiệm vụ mới, môi trường cạnh tranh và phát triển mới. Viettel phải là một tổ chức kiểu mẫu, là nguồn cảm hứng cho cuộc cách mạng về quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là DNNN.

 

Thứ 6, tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy lãnh đạo, chỉ huy các cấp, tăng cường kỷ luật kỷ cương - kỷ luật là sức mạnh của Quân đội.

 

 

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội.


Nhân dịp này, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan chức năng, các địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ, thúc đẩy Viettel không ngừng phát triển, lớn mạnh, trở thành tập đoàn quốc phòng, kinh tế hàng đầu khu vực, đồng thời nghiên cứu mô hình kinh doanh và quản trị của Viettel để nhân rộng, “chúng ta phải làm sao để Việt Nam có nhiều Viettel hơn nữa, nhiều tập đoàn kinh tế Nhà nước có sức mạnh, có hiệu quả như Viettel”.
 

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng Viettel sẽ trưởng thành từ những khát vọng và sẽ còn khát vọng lớn lao hơn nữa, đã sáng tạo sẽ còn sáng tạo hơn nữa, đã học hỏi sẽ liên tục và không ngừng học hỏi hơn nữa, đã là một tập thể đoàn kết, lành mạnh thì sẽ thống nhất, lành mạnh hơn nữa, đã phát triển nhanh thì còn phát triển càng nhanh và bền vững hơn nữa, đã hiệu quả càng hiệu quả hơn nữa, nhất là trong sử dụng nguồn lực sẵn có, đặc biệt là nguồn lực con người.

 

Ông cho rằng, những năm tháng tốt đẹp nhất, vóc dáng vĩ đại nhất, kỳ tích lớn lao nhất của Viettel vẫn đang chờ được tạo nên.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Lê  Đăng Dũng, quyền Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn cho biết: “Chỉ có một cách duy nhất để bảo tồn lịch sử là xây dựng tương lai. Những kỳ tích lớn lao nhất của Viettel vẫn đang chờ được tạo nên ở phía trước. Đó là trách nhiệm của Viettel cũng chính là lời hứa của Viettel. Viettel sẽ tiếp tục duy trì sứ mệnh “Sáng tạo vì con người” để luôn bảo vệ và phụng sự cho Tổ quốc, góp phần hưng thịnh đất nước”.

 

Tại buổi lễ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất. Trước đó, Viettel đã 2 lần đón nhận danh hiệu Anh hùng (Anh hùng lao động - năm 2007; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân- năm 2013)./.

 

Theo Báo Chính Phủ


Tag:viettel

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang