Dự họp còn có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái và Lê Văn Thành; lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo các tỉnh, thành phố phía Nam có các tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đi qua; các nhà đầu tư, nhà thầu, đơn vị tư vấn, thiết kế.
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, từ tỉnh Khánh Hòa đến tỉnh Đồng Nai có 4 dự án cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020. Hiện các dự án đều đã được bố trí đủ vốn; công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành; vật liệu đất đắp đường cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ... Tuy nhiên trong quá trình thực hiện, nảy sinh một số vấn đề cần rút kinh nghiệm như cần nâng cao hơn nữa năng lực quản lý dự án; tiếp tục phân cấp, phân quyền trong đầu tư các dự án.
Đại diện các bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư, nhà thầu thảo luận, nêu các vấn đề nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng dự án; tiết kiệm tài chính; xử lý công nghệ, kỹ thuật tuyến đường; cơ chế huy động nguồn lực tài chính; chính sách đặc thù cho đơn giá vật liệu xây dựng cho dự án trọng điểm, trong đó có cao tốc Bắc – Nam phía Đông; xác định trách nhiệm của địa phương liên quan việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý khai thác mỏ vật liệu xây dựng...
Các đại biểu cũng đề nghị bên cạnh đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình, cần bắt tay vào nghiên cứu, lên phương án quản lý, vận hành các tuyến cao tốc, đặc biệt là các hầm đường bộ; khai thác không gian phát triển do tuyến đường tạo ra.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ băn khoăn, trăn trở khi sau 20 năm, cả nước chỉ có được khoảng 1.000 km đường cao tốc; các dự án đầu tư công thường chậm hơn so với các dự án đầu tư theo hình thức PPP; các dự án PPP thì có đơn giá trên dưới 100 tỷ/km, trong khi các dự án đầu tư công thì trên dưới 200 tỷ/km; năm 2022 có lượng vốn đầu tư công rất lớn, do đó phải đổi mới tư duy, đổi mới phương thức, cách làm thì mới có thể đáp ứng được; nguyên vật liệu gồm cát, đá, sỏi đất là tải sản của Nhà nước, song giao cho tư nhân quản lý, làm mất thế chủ động, nảy sinh tiêu cực; việc giới hạn góp vốn của nhà đầu tư...
Theo Thủ tướng, từ thực tiễn cho thấy một số bài học cần rút ra như: Các chủ thể tham gia vào các dự án đang triển khai bao gồm các chủ đầu tư, chủ quản đầu tư, các nhà thầu, các địa phương, chính phủ và cơ quan các cấp phải thực hiện nghiêm các quy định, nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tất cả vì lợi ích quốc gia dân tộc; tin tưởng, giao trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực, nâng cao trình độ cán bộ các cấp. Các cơ quan phối hợp tổ chức tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Giải phóng mặt bằng nhanh, gọn; tái định cư phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ và năm sau cao hơn năm trước. Xử lý tốt về việc cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Việc thưởng phạt phải nghiêm minh. Cần có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa các chủ thể liên quan dự án. Hạn chế việc một dự án có quá nhiều nhà thầu.
Trên cơ sở phân tích, Thủ tướng đề nghị các chủ thể liên quan phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, hoàn thành trước kế hoạch ít nhất 1 quý. Thực hiện nghiêm các quy chuẩn, quy trình, quy định; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào thực hiện các dự án; Nghiên cứu thay đổi biện pháp thi công để đạt hiệu quả hơn; Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình và nghiệm thu đúng quy trình, quy định; Thực hiện mọi giải pháp để tiết kiệm đầu tư cả về mặt thời gian; Có cơ chế tận dụng nguồn lực cho các dự án.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan về dự án cao tốc từ tỉnh Khánh Hòa tới Đồng Nai thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020
Thủ tướng giao các địa phương chịu trách nhiệm trong giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; chăm lo đời sống cho người dân tái định cư; tổ chức xây dựng quy hoạch phát triển các không gian mới do tuyến đường tạo ra; quản lý tốt việc cấp vật liệu xây dựng cho các dự án; đảm bảo môi trường sau hoàn thành dự án.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các quy định về quản lý, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng để có điều chỉnh nếu thấy bất cập; Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, có cơ chế về đơn giá vật liệu, đơn giá xây dựng. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng cơ chế thưởng phạt trong đầu tư xây dựng cao tốc; huy động nguồn lực, nhất là đa dạng nguồn vốn. Bộ Giao thông vận tải chủ trì xây dựng đơn giá về thu phí.
“Đề nghị cả nước chung tay phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông”, Thủ tướng nhấn mạnh./.
Theo Vov.vn