Hơn 450 đại biểu là đại diện các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các chuyên gia, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và 27 tổ chức quốc tế, đại sứ quán của các nước tại Việt Nam tham dự Diễn đàn. Sự kiện được kỳ vọng là cơ hội để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về những định hướng và giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ thời gian tới ở Việt Nam.
Đây cũng là cơ hội quảng bá, kết nối các chuyên gia và là cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp sản xuất về nông nghiệp hữu cơ trong và ngoài nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tốc độ phát triển cũng như nhu cầu về nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đang gia tăng nhanh.
Thế giới có 50,9 triệu ha được canh tác hữu cơ và tiềm năng thị trường tới 81,6 tỷ USD. Tại Việt Nam đến nay có 33/63 tỉnh, thành phố đã phát triển nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76,6 nghìn ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 tập đoàn, DN, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ - lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm sản xuất của ông cha để lại. Việt Nam trải dài trên 15 vĩ độ, 3/4 diện tích là núi và cao nguyên, có hệ sinh thái đa dạng, phong phú.
Ngay sau khi Nghị định được ban hành, Bộ sẽ xây dựng “Đề án về nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam”.
Chính phủ luôn ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện môi trường, trong đó có nông nghiệp hữu cơ. Tại lễ khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam ngày 2/2/2017, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần kiến tạo của Chính phủ là phát triển một nền nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, thông minh để phục vụ hơn 93 triệu dân với thực phẩm, lương thực sạch và hướng vào xuất khẩu.
Nguồn Chinhphu