Nhận lời mời của Thủ tướng Đại Hàn Dân Quốc Han Duck Soo và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6-3/7.
Nhân dịp này, Thủ tướng Han Duck Soo đã trả lời phỏng vấn về chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và quan hệ giữa hai nước.
Xin Thủ tướng cho biết chuyến thăm Hàn Quốc sắp tới của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính có ý nghĩa như thế nào và mở ra triển vọng gì cho Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc trong thời gian tới?
Thủ tướng Han Duck Soo: Trong 30 năm qua, Hàn Quốc và Việt Nam đã phát triển mối quan hệ hợp tác mẫu mực vào loại hàng đầu thế giới. Quan hệ hai nước đang phát triển vô cùng tốt đẹp; hai nước đã trở thành những đối tác thương mại quan trọng của nhau với kim ngạch thương mại lên tới gần 100 tỷ USD.
Chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một quan chức cấp cao Việt Nam đến Hàn Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện tháng 12/2022.
Tiếp nối chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Việt Nam tới Hàn Quốc vào tháng 12/2022 và chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk Yeol tới Việt Nam vào tháng 6/2023, đây là năm thứ 3 liên tiếp diễn ra các chuyến thăm lẫn nhau của các lãnh đạo cấp cao, cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước.
Các chuyến thăm của quan chức, lãnh đạo cấp cao hai nước đã góp phần to lớn vào sự phát triển quan hệ song phương.
Vì vậy, có thể kỳ vọng rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Hàn Quốc sẽ là cơ hội củng cố hơn nữa lòng tin chính trị và làm sâu sắc thêm hợp tác chiến lược giữa Hàn Quốc và Việt Nam với tư cách là đối tác hợp tác hàng đầu trong khu vực.
Đặc biệt, khi Chủ tịch nước Việt Nam thăm Hàn Quốc vào năm 2022, chúng ta đã cùng nhau ký kết quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Khi Tổng thống Yoon Suk Yeol thăm Việt Nam năm 2023, hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động nhằm phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện này.
Vì thế, chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được coi là cơ hội để hai bên đánh giá cụ thể thực trạng triển khai Kế hoạch hành động tầm mức quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thời gian qua.
Cá nhân tôi, sau khi nhậm chức Thủ tướng vào năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính là quan chức nước ngoài đầu tiên mà tôi tiến hành điện đàm.
Trong khoảng thời gian gần 1 giờ, chúng tôi đã cùng trăn trở và bàn thảo về phát triển toàn diện quan hệ giữa hai nước.
Đầu năm nay, tại Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, tôi đã gặp riêng Thủ tướng Phạm Minh Chính và thảo luận về việc phát triển những lĩnh vực mới trong quan hệ hai nước.
Tôi đã mời Thủ tướng thăm Hàn Quốc và tôi thật sự rất vui mừng khi Thủ tướng nhận lời mời và tôi rất mong được gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính ở Seoul.
Trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới Việt Nam vào tháng 6/2023, hai bên đã ký kết Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc. Xin Thủ tướng cho biết chiến lược của Chính phủ Hàn Quốc trong hợp tác với Việt Nam? Đâu là những lĩnh vực hợp tác then chốt để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương trong giai đoạn mới?
Thủ tướng Han Duck Soo: Chính phủ Hàn Quốc năm 2022 đã công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” với mục tiêu đóng vai trò lớn hơn và đóng góp cho tự do, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cùng với đó, Hàn Quốc cũng thông qua “Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN (KASI)” nhằm thúc đẩy hợp tác chuyên biệt phục vụ nhu cầu của ASEAN trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Chính phủ Hàn Quốc coi Việt Nam là đối tác chủ chốt trong cả hai chiến lược của Hàn Quốc đối với ASEAN (KASI) và Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Vì vậy, chúng tôi đang tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, thiết thực và cùng có lợi với Việt Nam cả ở cấp độ song phương và trong chiến lược tổng thể với ASEAN.
Đặc biệt, trong tình hình khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang thay đổi nhanh chóng thời gian gần đây, chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác chiến lược với Việt Nam để góp phần đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực.
Để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng là phải tăng cường trao đổi và tích cực liên lạc chiến lược giữa các lãnh đạo chủ chốt của cả hai nước và tôi tin rằng cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính lần này cũng sẽ là một cơ hội tốt.
Cùng với đó, hai bên cần tích cực tận dụng các cơ chế hợp tác như đối thoại giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước.
Chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển quan hệ song phương trên diện rộng và những lĩnh vực trọng điểm, bao gồm kinh tế và đầu tư. Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí nhà đầu tư số một tại Việt Nam.
Việt Nam trở thành một trong 3 đối tác thương mại quan trọng nhất của Hàn Quốc với việc hai nước đang hướng tới mục tiêu đạt kim ngạch 150 tỷ USD vào năm 2030.
Hàn Quốc và Việt Nam là đối tác hợp tác không thể tách rời trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Để đạt được mục tiêu này, tôi nghĩ điều quan trọng là phải mở rộng và tăng cường hợp tác giữa hai nước từ mối quan hệ hợp tác hiện có lấy sản xuất làm trung tâm sang các lĩnh vực khác nhau như an ninh kinh tế, khoa học-công nghệ, kỹ thuật số và biến đổi khí hậu.
Trong tương lai, sẽ có thêm những trao đổi trong lĩnh vực công nghệ, hợp tác đào tạo nhân lực, văn hóa.
Tuy nhiên, hợp tác thương mại và đầu tư nhằm phục hồi và phát triển nền kinh tế sẽ tiếp tục được chú trọng.
Hiện có khoảng 200.000 kiều dân mỗi nước đang sinh sống, học tập và làm việc tại nước kia, trong đó có khoảng 90.000 gia đình đa văn hóa Việt-Hàn. Xin Thủ tướng cho biết sự đóng góp của các gia đình đa văn hóa đối với sự phát triển của Hàn Quốc và chính sách của Chính phủ Hàn Quốc nhằm thúc đẩy giao lưu nhân dân Việt Nam-Hàn Quốc.
Thủ tướng Han Duck Soo: Tôi cho rằng giao lưu nhân dân rộng khắp giữa hai nước như một động lực thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương bền vững. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Hàn Quốc mong muốn trở thành đối tác tin cậy của Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu đó. Đặc biệt, chúng tôi rất vui mừng khi “Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc-Việt Nam (VKIST),” biểu tượng của hợp tác khoa học và công nghệ Hàn Quốc-Việt Nam với tổng vốn đầu tư của chúng tôi 35 triệu USD, đã được khánh thành vào năm ngoái.
Thông qua những hợp tác trong lĩnh vực như vậy, Hàn Quốc cũng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và chuyên môn cần thiết cho sự phát triển công nghiệp của Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan.
Hiện tại, Hàn Quốc và Việt Nam mỗi bên có cộng đồng khoảng 200.000 người sinh sống, học tập và làm việc tại nước kia, trong đó phải kể đến khoảng 90.000 gia đình đa văn hóa Hàn-Việt.
Cộng đồng này, bao gồm những gia đình đa văn hóa đang đóng vai trò là cầu nối, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, khoa học-công nghệ và phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước.
Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc đã có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của các ngành công nghiệp lớn như ngành đóng tàu của Hàn Quốc.
Quy mô trao đổi nhân lực giữa hai nước đang nhanh chóng phục hồi về mức trước dịch COVID-19, ghi nhận 4,1 triệu lượt thăm viếng lẫn nhau vào năm ngoái và dự kiến sẽ đạt 5 triệu lượt thăm viếng lẫn nhau trong năm 2024, mức cao nhất từ trước đến nay.
Chính phủ Hàn Quốc đang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ toàn diện từ giai đoạn chuẩn bị kết hôn tại Việt Nam đến định cư lâu dài tại Hàn Quốc nhằm giúp người nhập cư Việt Nam theo diện hôn nhân định cư ổn định tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc cũng đang tăng cường giáo dục song ngữ và hỗ trợ học tập nghề nghiệp bằng tiếng Hàn và tiếng Việt để trẻ em trong các gia đình đa văn hóa Hàn-Việt có thể lớn lên khỏe mạnh, là cầu nối giữa Hàn Quốc và Việt Nam.
Ngoài ra, các em nhỏ trở về Việt Nam sau thời gian sinh sống ở Hàn Quốc cũng được hỗ trợ lưu trú, chăm sóc tại một trung tâm hỗ trợ ở Hải Phòng để đảm bảo không gặp khó khăn khi sinh sống tại đây.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam và Hàn Quốc đã hợp tác chặt chẽ và có những đóng góp tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế. Theo Thủ tướng, hai nước cần làm gì để Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của mỗi nước cũng như của khu vực và thế giới?
Thủ tướng Han Duck Soo: Chính phủ Hàn Quốc đã đề ra tầm nhìn chiến lược là trở thành một “quốc gia trụ cột toàn cầu - GPS.” Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực đóng góp tích cực hơn cho tự do, hòa bình và thịnh vượng của thế giới.
Việt Nam, với vị thế quốc tế đang ngày một cải thiện, cũng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế. Vì thế, hai nước ngày càng có nhu cầu tăng cường hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế quan trọng với tư cách là “đối tác chiến lược toàn diện.”
Hàn Quốc và Việt Nam đang tăng cường hợp tác ở cấp độ ASEAN, một cơ chế hợp tác trọng điểm trong khu vực. Đặc biệt, trong 3 năm qua. Việt Nam đã đóng vai trò đi đầu trong việc tăng cường hợp tác giữa Hàn Quốc và ASEAN với tư cách là điều phối viên đối thoại Hàn Quốc-ASEAN.
Chúng tôi đánh giá cao Việt Nam, với tư cách là một đối tác hợp tác lớn ở khu vực châu Á, ủng hộ các nỗ lực của chính phủ chúng tôi nhằm giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tôi hy vọng, trong tương lai, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác để giải quyết vấn đề này một cách hòa bình.
Hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu, một thách thức và nhiệm vụ chung của nhân loại, cũng rất quan trọng. Tôi tin rằng cả hai nước có thể cùng nhau đóng vai trò chủ đạo trong việc biến cuộc khủng hoảng khí hậu thành tăng trưởng xanh và các cơ hội mới.
Chúng tôi đánh giá cao việc Việt Nam đăng cai Hội nghị thượng đỉnh P4G vào năm 2025. Vì Hàn Quốc đã đăng cai hội nghị này vào năm 2021 nên chúng tôi sẽ tích cực chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo Việt Nam đăng cai thành công hội nghị quan trọng này.
Năm 2015, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã được thông qua và điều này góp phần tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các dự án chung nhằm giảm lượng khí thải carbon và phát triển các hệ thống chia sẻ kết quả về biến đổi khí hậu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện cam kết này.
Hàn Quốc và Việt Nam là những quốc gia đi đầu trong việc ký kết Thỏa thuận Paris 2015, thông qua đó, mở ra thị trường cho lĩnh vực giảm trừ carbon và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng thân thiện với môi trường.
Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng./.
Theo báo Chính phủ