Tối 18/12 (theo giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã rời Tokyo, Nhật Bản về Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản và hoạt động song phương tại Nhật Bản.
Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là “thời điểm vàng” để các Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản kiểm điểm lại quá trình hợp tác 50 năm qua, từ đó đề ra tầm nhìn và định hướng phát triển quan hệ trong giai đoạn mới với những cơ hội mới, như khẩu hiệu của Hội nghị là “Tình hữu nghị vàng, những cơ hội vàng”.
Hội nghị diễn ra ngay sau khi ASEAN và Nhật Bản nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 năm nay, tạo thêm xung lực và những thành tựu hợp tác mới, xứng tầm với khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện; Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, Hội nghị cũng là dịp để người dân ASEAN và Nhật Bản, cũng như khu vực và thế giới hiểu rõ hơn về giá trị và đóng góp quan trọng của quan hệ ASEAN-Nhật Bản đối với và hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Hội nghị đã thành công tốt đẹp với những kết quả quan trọng. ASEAN và Nhật Bản thống nhất nhận định và cùng đề cao tầm quan trọng và giá trị của quan hệ đối với mỗi bên cũng như khu vực.
Có thể khẳng định, quan hệ ASEAN-Nhật Bản đang là một trong những mối quan hệ năng động, thực chất và hiệu quả nhất trong quan hệ đối ngoại của ASEAN, đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi nước thành viên và Cộng đồng ASEAN cũng như vào hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực.
Phát huy những thành quả hợp tác, bài học kinh nghiệm từ 50 năm quan hệ, hai bên đạt nhất trí về tầm nhìn và phương hướng lớn thúc đẩy hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đồng thời tăng cường phối hợp trên các vấn đề quốc tế và khu vực, chung tay ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu.
Cụ thể, ASEAN và Nhật Bản nhất trí làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị, an ninh, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN; tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó các lĩnh vực giải trừ quân bị, không phổ biến vũ khí hạt nhân; hợp tác ứng phó các thách thức an ninh phi truyền thống như an ninh mạng, tội phạm xuyên quốc gia, cứu trợ thảm họa thiên tai; phối hợp chặt chẽ tại các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì như ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+, hợp tác triển khai Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP).
Hai bên nhất trí hợp tác “đồng kiến tạo” kinh tế và xã hội tương lai, đẩy mạnh thương mại và đầu tư, đi đôi với củng cố các chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi hơn cho hàng xuất khẩu vào thị trường của nhau, thúc đẩy hơn nữa các lĩnh vực hợp tác mới nổi, nhiều tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn...
Nhật Bản cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp khu vực tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản và chuỗi cung ứng toàn cầu, đề xuất Sáng kiến Đồng kiến tạo công nghiệp ô tô thế hệ mới.
Hai bên cũng nhất trí sẽ dành ưu tiên cao hơn cho hợp tác văn hóa-xã hội và giao lưu nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên; tăng cường trao đổi giáo dục, hợp tác phát triển nguồn nhân lực, du lịch, truyền thông, môi trường, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên…; chú trọng hơn đến sự phát triển bền vững, lâu dài, vì lợi ích thiết thực của người dân.
ASEAN đánh giá cao Nhật Bản công bố lập Quan hệ đối tác đồng kiến tạo tương lai với khoản hỗ trợ 40 tỷ Yên cho các chương trình giao lưu nhân dân trong 10 năm tới, 15 tỷ Yên cho chương trình trao đổi cán bộ nghiên cứu và nghiên cứu quốc tế chung và cam kết sẽ huy động 35 tỷ USD trong vòng 5 năm tới từ các quỹ công - tư cho khu vực để thúc đẩy hợp tác kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Hai bên đạt nhận thức chung về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có Biển Đông, xung đột Nga-Ukraine, bán đảo Triều Tiên. Các nhà Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc đề cao luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, bảo đảm hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Nhật Bản khẳng định ủng hộ nỗ lực của ASEAN triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí thông qua “Tuyên bố Tầm nhìn về Quan hệ Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản: Đối tác tin cậy” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố tầm nhìn” làm cơ sở để triển khai quan hệ ĐTCLTD ASEAN-Nhật Bản thời gian tới.
Tham dự hội nghị lần này, ngay từ đầu, Việt Nam đã ủng hộ đề xuất của Nhật Bản tổ chức Hội nghị CCKN 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng vào thành công chung của Hội nghị, cả trong quá trình chuẩn bị, xây dựng chương trình nghị sự, cũng như tham gia phát biểu thảo luận tại Hội nghị. Đặc biệt, các phát biểu sâu sắc, toàn diện vừa mang tính tổng hợp, đúc kết 50 năm quan hệ vừa mang tầm chiến lược trong đề xuất định hướng tương lai quan hệ được các nước đánh giá cao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cao ý nghĩa lịch sử của Hội nghị, đánh giá cao tinh thần đoàn kết và hợp tác giữa ASEAN và Nhật Bản vượt qua những thời điểm khó khăn, thử thách xuyên suốt nửa thế kỷ qua.
Thủ tướng đề xuất 3 phương hướng lớn để quan hệ ASEAN-Nhật Bản trở thành hình mẫu, nhân tố tích cực, đóng vai trò quan trọng vào bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, cùng phát triển và cùng thắng ở khu vực.
Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường hơn nữa phối hợp chiến lược, cùng xây dựng cấu trúc khu vực mở, bao trùm, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm. Nhật Bản cần tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường chung của ASEAN về Biển Đông; tích cực hỗ trợ các nước thuộc tiểu vùng Mekong ứng phó hiệu quả các thách thức an ninh phi truyền thống, sớm khởi động lại cơ chế hợp tác Mekong, ưu tiên thúc đẩy các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển bền vững trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thủ tướng nhấn mạnh đầu tư cho nhân tố con người, hoan nghênh các hoạt động trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân trong khuôn khổ “đối tác từ trái tim đến trái tim” ASEAN-Nhật Bản và đề nghị cần cụ thể hóa thành các dự án, chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh 4 kết nối, trong đó đề nghị hai bên tăng cường kết nối về kinh tế - thương mại, đầu tư coi đây là trọng tâm và động lực phát triển của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Nhật Bản; đẩy mạnh kết nối về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược; mở rộng kết nối trong các lĩnh vực mới, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và nông nghiệp thông minh…, đưa các lĩnh vực này trở thành động lực tăng trưởng mới, sức sống mới cho hợp tác ASEAN-Nhật Bản thời gian tới; ưu tiên kết nối thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần.
Những đóng góp và kiến nghị cụ thể của Đoàn ta có thể nói đã “đúng” và “trúng” với nhu cầu của hợp tác ASEAN-Nhật Bản trong giai đoạn phát triển mới, được phản ánh trên nhiều nội dung trong “Tuyên bố Tầm nhìn” và “Kế hoạch triển khai Tuyên bố” được thông qua tại Hội nghị CCKN.
Đây là chuyến công tác Nhật Bản đầu tiên của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam chỉ sau 2 tuần kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có lịch hoạt động dày đặc, chương trình phong phú, đa dạng với tổng cộng gần 30 hoạt động với chính giới và giới kinh tế Nhật Bản.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio; hội kiến Chủ tịch Hạ viện, Thượng viện, các cựu Thủ tướng Nhật Bản; tiếp và dự chiêu đãi của Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật -Việt; tiếp Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản; thăm tỉnh Gunma, tiếp, cùng Thống đốc tỉnh Gunma dự Tọa đàm với doanh nghiệp tiêu biểu tại tỉnh, thăm công ty Shibata Gousei là công ty điển hình về sử dụng Internet vạn vật (IOT) và có kỹ sư người Việt Nam chủ trì thiết kế phần mềm quản lý của công ty; tiếp riêng Thống đốc 5 tỉnh Aichi, Niigata, Yamanashi, Kanagawa và Tochigi.
Với giới kinh tế của Nhật Bản, Thủ tướng đã tham dự và phát biểu tại 4 tọa đàm, diễn đàn, hội nghị với các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản về kinh tế, đầu tư, tài chính, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chất bán dẫn…; tiếp Chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng hợp tác quốc tế (JBIC), lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Nhật Bản trong các lĩnh vực ngân hàng, năng lượng….
Các bộ, ngành, địa phương tham gia đoàn cũng đã có hàng chục hoạt động thiết thực với các đối tác Nhật Bản.
Các hoạt động tiếp xúc, trao đổi với phía Nhật Bản, đặc biệt Hội đàm cấp cao diễn ra trong bầu không khí chân thành, tình cảm, tin cậy, thực chất và hiệu quả. Chương trình hoạt động song phương của Thủ tướng Chính phủ đã thành công tốt đẹp và đạt nhiều kết quả thực chất, quan trọng, hoàn thành tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Trước hết, chuyến công tác làm sâu sắc hơn nữa tin cậy chính trị, củng cố quan hệ cá nhân tốt đẹp với lãnh đạo chính giới của Nhật Bản, đồng thời là bước triển khai đầu tiên đối với việc cụ thể hóa khuôn khổ hợp tác mới.
Đây là lần thứ 2 trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sang Nhật Bản dự hội nghị quốc tế lớn và là cuộc gặp lần thứ 6 giữa hai Thủ tướng kể từ năm 2021; thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa quan hệ song phương phát triển thực chất, hiệu quả, toàn diện theo khuôn khổ quan hệ mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân hai nước.
Tại các cuộc tiếp xúc, hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh...; tiếp tục chia sẻ lập trường, phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm tại các diễn đàn đa phương, vì lợi ích của hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và hợp tác của khu vực và thế giới.
Thủ tướng Kishida và lãnh đạo các giới, cựu lãnh đạo Nhật Bản bày tỏ tình cảm đặc biệt với Việt Nam với các cử chỉ đón tiếp trọng thị, tình cảm, tái khẳng định ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn của quan hệ hai nước.
Chuyến công tác đạt nhiều kết quả nổi bật, thực chất trong hợp tác kinh tế song phương, thúc đẩy hợp tác liên kết kinh tế đi vào chiều sâu. Hai bên cùng nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực an ninh kinh tế, chú trọng thúc đẩy tăng cường tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, điện tử, thiết bị y tế, dệt may...
Tại diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp tiêu biểu của Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chia sẻ tình hình, định hướng và chính sách của Việt Nam trong xây dựng đất nước và phát triển kinh tế, truyền tải thông điệp đề nghị doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đồng thời chứng kiến các Bộ, ngành và doanh nghiệp hai nước trao đổi hơn 30 văn kiện hợp tác, trị giá gần 3 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như tài chính, giáo dục, y tế, đầu tư khu công nghiệp...
Nỗ lực làm sôi động hóa hợp tác ODA của hai nước cũng đạt kết quả cụ thể, thực chất khi hai Thủ tướng chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá hơn 200 triệu USD, góp phần đưa tổng giá trị hợp tác ODA giữa hai nước trong năm 2023 đạt hơn 100 tỷ yên (tương đương gần 800 triệu USD), cao nhất kể từ năm 2017; đồng thời khẳng định việc sớm triển khai các dự án ODA mới của Nhật Bản với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, trong đó thúc đẩy trao đổi khả năng hợp tác xây dựng đường sắt tốc độ cao Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh.
Tại các cuộc tọa đàm với lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, giới kinh tế Nhật Bản đánh giá cao sự phát triển, ổn định của kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam, sẵn sàng đầu tư, mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực Việt Nam ưu tiên, đề xuất một số biện pháp cụ thể nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường Việt Nam.
Thông qua chuyến thăm, hai bên đã đạt được đồng thuận về hợp tác công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thủ tướng Kishida, lãnh đạo các giới Nhật Bản đều tiếp tục khẳng định hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Chuyến công tác đã góp phần thúc đẩy liên kết nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân hai nước. Lãnh đạo chính giới, địa phương, giới kinh tế Nhật Bản khẳng định nguồn nhân lực Việt Nam là không thể thiếu, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của Nhật Bản.
Tại chuyến công tác lần này, Chính phủ Việt Nam đã lần đầu tiên chủ trì, tổ chức hội nghị xúc tiến lao động tại nước ngoài với quy mô hơn 300 người, gồm đại diện Lãnh đạo Chính phủ, chính giới, các doanh nghiệp Nhật Bản, người lao động Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh tính bổ trợ giữa hai nước trong hợp tác nguồn nhân lực, cho biết Việt Nam sẵn sàng phối hợp chặt chẽ với Nhật Bản nhằm tăng cường sự gắn kết trong lĩnh vực này. Phía Nhật Bản khẳng định sẽ tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực người Việt; thúc đẩy bảo đảm quyền lợi, phúc lợi với người lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Về hợp tác địa phương và giao lưu nhân dân, việc Thủ tướng thăm tỉnh Gunma ngay sau khi đến Nhật Bản và tiếp Thống đốc đến từ các tỉnh Aichi, Tochigi, Kanagawa, Niigata, Yamanashi chính là thông điệp mạnh mẽ thể hiện sự quan tâm, coi trọng và ưu tiên của Chính phủ Việt Nam đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với các địa phương Nhật Bản.
Trong các cuộc trao đổi, lãnh đạo chính giới cùng lãnh đạo các địa phương của Nhật Bản cũng khẳng định thúc đẩy hợp tác với Việt Nam là ưu tiên hàng đầu của các địa phương này, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Việt Nam trong các lĩnh vực đầu tư, du lịch, thương mại, tiếp nhận lao động, giao lưu nhân dân; cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hòa nhập sâu, rộng hơn nữa vào xã hội Nhật Bản.
Nhân dịp này, tỉnh Hà Nam và tỉnh Gunma đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác, mở ra cơ hội mới cho 2 địa phương trong thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác lao động, giao lưu nhân dân…
Chuyến công tác đã mở ra cơ hội hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực mới như chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo...Các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm cao đến các chính sách, nhu cầu của Việt Nam và cam kết mạnh mẽ về thúc đẩy đầu tư, hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực mới.
Hơn một nửa số văn kiện ký kết giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp hai nước tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam – Nhật Bản thuộc các lĩnh vực hợp tác mới, bao gồm xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, logistics, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, robot... Đây có thể là bước khởi đầu cho một làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào các lĩnh vực mới tại Việt Nam trong tương lai gần.
Những kết quả thiết thực của chuyến công tác và các hoạt động song phương của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Nhật Bản lần này là hoạt động cấp cao quan trọng để khép lại năm 2023, năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản thành công rực rỡ với khoảng 500 sự kiện tổ chức tại cả hai nước.
Theo chinhphu.vn