Đi vào hoạt động từ năm 2014, đến nay, SEVT có 66.500 nhân viên (tăng 700 lần), vốn đầu tư 5 tỷ USD (tăng 250 lần), doanh thu đạt 20,4 tỷ USD (tăng 250 lần).
Cùng với nhà máy ở Bắc Ninh, SEVT là một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất toàn cầu của Samsung. Hiện nay, Tổ hợp điện tử Samsung Việt Nam, trong đó có SEVT, với 170.000 người, đóng góp 22% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 (39,9 tỷ USD). Dự kiến năm 2017, Samsung Việt Nam sẽ xuất khẩu 50 tỷ USD. Tỉ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam đạt 57%, với 215 nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng với Samsung về một số điểm như chú trọng đầu tư cho công tác nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần là lắp ráp. Samsung cũng quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, công nhân, kỹ thuật hết sức bài bản. Đời sống công nhân, người lao động ngày càng được nâng cao, trong đó công ty quan tâm đến khu ăn ở, giải trí, lao động nữ… Điều ấn tượng nữa là tỉ lệ nội địa hóa của Samsung đạt 57%.
Nhắc lại chuyến thăm Samsung Thái Nguyên cách đây 3 năm, Thủ tướng cho biết, khi đó, ông có nói rằng Samsung phải phát triển với tư cách một doanh nghiệp kiểu mẫu trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Và Chính phủ cũng như chính quyền tỉnh Thái Nguyên mong muốn Samsung phát triển hơn nữa và trở thành thủ phủ sản phẩm điện tử của Việt Nam. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện để Samsung thành công ở Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan khu đào tạo công nhân của Samsung
Về vấn đề máy giặt Samsung sản xuất tại Việt Nam bị điều tra bán phá giá tại thị trường Mỹ, Thủ tướng thể hiện quan điểm ủng hộ Samsung và giao Bộ Công Thương tiến hành các thủ tục cần thiết để bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ các thành quả mà Samsung đầu tư ở Việt Nam.
Nguồn Chinhphu