Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thụy Sĩ đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và cho rằng, việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao tuyệt đối như vậy thể hiện sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam mong muốn hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Thụy Sĩ về công việc tại Hội đồng Bảo an nhằm hoàn thành tốt nhiệm kỳ của mình.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống với Thụy Sĩ; hài lòng nhận thấy hợp tác hai nước thời gian qua phát triển tích cực, nhất là trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển. Thủ tướng tin tưởng chuyến thăm này của Bộ trưởng sẽ mở ra triển vọng, không gian hợp tác mới cho hai nước cũng như Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Bộ trưởng Guy Parmelin cảm ơn Việt Nam đã cùng Thuỵ Sĩ phát triển mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong suốt thời gian qua; nêu rõ có nhiều doanh nghiệp Thuỵ Sĩ đang đầu tư hiệu quả tại Việt Nam, đứng thứ sáu trong các nước Tây Âu đầu tư vào Việt Nam, tạo ra hàng chục nghìn việc làm ở Việt Nam. Về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Khối EFTA, Bộ trưởng cho rằng hai bên đã có nhiều tiến triển tích cực trong đàm phán, đồng thời hy vọng, Việt Nam và Khối EFTA có thể sớm ký Hiệp định FTA, đem lại lợi ích cho cả hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí cho rằng, hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác. Tuy nhiên, đầu tư của Thuỵ Sĩ ở Việt Nam còn khiêm tốn, chưa tương xứng tiềm năng. Do đó, Thủ tướng mong muốn Thuỵ Sĩ thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Hai bên cần tiến tới cân bằng thương mại khi hiện nay Việt Nam còn nhập siêu từ Thuỵ Sĩ, đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam tại châu Âu.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy Sĩ, hoạt động lâu dài tại Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Thụy Sĩ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, công nghiệp chế tạo, dược phẩm, chế biến nông sản, du lịch…
Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của cả hai bên nhằm thu hẹp tối đa khoảng cách trong các vấn đề còn tồn tại quan điểm khác biệt trong đàm phán Hiệp định FTA giữa Việt Nam và khối EFTA; đề nghị Khối EFTA có cách tiếp cận thực tế hơn nữa, đặc biệt là trong các lĩnh vực như thương mại hàng hóa, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ…
Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao Thụy Sĩ cung cấp nguồn ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn
Thủ tướng đề nghị, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng, hai bên tích cực trao đổi vấn đề này, phấn đấu để Hiệp định FTA Việt Nam-EFTA không bị tụt hậu so với Hiệp định EVFTA vừa được ký ngày 30/6 vừa qua tại Hà Nội. Việt Nam đã tham gia Hiệp định CPTPP và bước đầu Hiệp định đã phát huy kết quả tích cực.
Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao Thụy Sĩ cung cấp nguồn ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn. Các dự án ODA Thụy Sĩ đã phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc. Việt Nam rất mong muốn Thụy Sĩ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, nhất là về đào tạo nghề, gắn phát triển khoa học công nghệ với đào tạo tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, là nền tảng quan trọng cho sự phát triển…
Thủ tướng đánh giá cao những đóng góp tích cực của Thụy Sĩ vào việc gìn giữ hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới; mong muốn Thụy Sĩ tiếp tục có tiếng nói ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN về giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm Biển Đông là khu vực an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải; đóng góp vào nỗ lực duy trì hoà bình, ổn định và phát triển thịnh vượng.
Bộ trưởng Guy Parmelin đề xuất Thuỵ Sĩ có thế mạnh về đào tạo nghề, dược…, do đó hai bên có thể tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực này. Liên quan đến Hiệp định giữa Việt Nam và Khối EFTA, ông cho biết, phía các nước EFTA cũng sẵn sàng lắng nghe các đề xuất của Việt Nam. Với trọng trách của mình, khi về nước, ông sẽ tích cực làm việc với đồng cấp ở các nước EFTA để thúc đẩy đàm phán, ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam.
Theo Báo Chính Phủ