Thứ Sáu, 22/11/2024 07:39:56 GMT+7
Lượt xem: 3819

Tin đăng lúc 12-03-2016

Thủ tướng: Người dân tăng cường trau dồi tiếng anh để hội nhập

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động tránh rủi ro khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN (AEC).
Thủ tướng: Người dân tăng cường trau dồi tiếng anh để hội nhập
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân Thúy (Đà Nẵng) về giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động tránh rủi ro khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng ASEAN (AEC).

 

Việc xây dựng Cộng đồng AEC là một tiến trình hội nhập kinh tế lâu dài, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã đàm phán để Việt Nam được hưởng linh hoạt kéo dài lộ trình cam kết.Theo đó, đến năm 2018 các hàng rào thuế quan với một số mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, thuốc lá... mới được gỡ bỏ để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị.

 

“Điều quan trọng đối với Chính phủ là đảm bảo lợi ích về tổng thể cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tăng cường tận dụng cơ hội hay đối phó hiệu quả với thách thức đặt ra” – văn bản trả lời của Thủ tướng khẳng định.

 

Cùng với việc tham gia AEC, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi từ Cộng đồng này, Chính phủ đã triển khai Chương trình hành động. Những cam kết này đều nằm trong khuôn khổ pháp lý, nên Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ đã ban hành các văn bản để tổ chức thực hiện.

 

Để phổ biến về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Chính phủ đã có chương trình truyền thông được triển khai từ năm 2010 đến nay, cung cấp nhiều ấn phẩm, tài liệu tham khảo; tổ chức hội thảo liên tục hàng năm ở các tỉnh, thành phố trên cả ba miền đất nước để cập nhật thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý địa phương.

 

Theo đó, các nhóm giải pháp về phát triển thị trường và thương hiệu; tổ chức lại sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, nghiên cứu và dự báo thị trường, đổi mới công nghệ và tăng cường vai trò hỗ trợ và liên kết của các hiệp hội ngành hàng.

 

Những biện pháp trên song hành với các giải pháp điều hành kinh tế, với mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững nhưng vẫn phù hợp với các cam kết quốc tế. Đó là biện pháp về thuế; cấm nhập khẩu; hạn ngạch thuế quan; danh mục hàng tiêu dùng không khuyến khích nhập khẩu; chính sách tỷ giá; các biện pháp phòng vệ thương mại…

 

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu doanh nghiệp và người dân cần có sự chủ động chuẩn bị và phối hợp với Chính phủ như chủ động tiếp cận thông tin về Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã đăng tải trên trang thông tin điện tử của các cơ quan Chính phủ liên quan, bao gồm Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các Bộ, cơ quan ngang Bộ tham gia công tác Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

 

Đồng thời tích cực nắm bắt các chính sách, biện pháp trong nước của Chính phủ nhằm tận dụng sự hỗ trợ về đầu tư, kinh doanh và phát triển phù hợp với định hướng nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng trong sản xuất của Việt Nam trong thời gian tới.

 

Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy về sản xuất, tiêu dùng. Cộng đồng Kinh tế ASEAN là một thị trường cũng như cơ sở sản xuất nên mọi hoạt động sản xuất, tiêu dùng cần nhìn rộng ở tầm khu vực ASEAN và Đông Á.

 

Do đó, doanh nghiệp và người dân đều cần trau dồi các kỹ năng liên kết với doanh nghiệp, người tiêu dùng ASEAN, chẳng hạn như khả năng sử dụng ngôn ngữ quốc tế tiếng Anh, các loại hình công nghệ thông tin để giao dịch, tăng cường các hoạt động giao lưu thương mại - văn hóa trong khu vực.

 

Theo An Ngọc/  Trí  Thức Trẻ


Tag:AEC

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang