Thứ Sáu, 22/11/2024 05:44:15 GMT+7
Lượt xem: 1860

Tin đăng lúc 03-07-2019

Thủ tướng: Nuôi dưỡng được những nhà đầu tư nhỏ lớn lên càng đáng quý hơn nhiều

Chiều 2/7, dự Hội nghị xúc tiến đầu tư Quảng Ngãi, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm về thu hút nhà đầu tư là không “tham lớn khinh nhỏ” và cũng không được vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ lợi ích lâu dài. Thu hút được những nhà đầu tư lớn là rất quý giá, nhưng nuôi dưỡng được những nhà đầu tư nhỏ lớn lên càng đáng quý hơn nhiều.
Thủ tướng: Nuôi dưỡng được những nhà đầu tư nhỏ lớn lên càng đáng quý hơn nhiều
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Giữ đúng lời hứa với tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù vừa kết thúc chuyến công tác dày đặc hoạt động tại Nhật Bản vào tối qua (1/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian dự sự kiện quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi vào dịp kỷ niệm 30 năm ngày tái lập tỉnh. Theo Thủ tướng, về Quảng Ngãi như vừa đi xa được trở về quê nhà.

 

Thủ tướng cho rằng, Hội nghị xúc tiến đầu tư của Quảng Ngãi lần này quy mô lớn hơn, cách tổ chức hiện đại hơn hội nghị mà ông dự cách đây 3 năm rưỡi. Đặc biệt, lần này có nhiều “sếu đầu đàn” lớn, cả trong nước và nước ngoài tham dự như Tập đoàn Hòa Phát, FLC, VSIP…, nhất là có cả các doanh nghiệp trẻ.

 

Thủ tướng cũng thông báo 2 tin mừng đối với cả nước trong tháng 6 qua, là Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu rất cao và Việt Nam-EU ký Hiệp định EVFTA, IPA. Cùng với nhiều FTA hiện có và sắp tới, Thủ tướng cho rằng, thị trường rộng lớn đang mở ra cho doanh nghiệp. “Vì vậy, chúng ta phải có sản phẩm trong nước để xuất khẩu và phục vụ gần 100 triệu dân Việt Nam”. Việc phát triển kinh tế trong nước giờ đây rất quan trọng, nếu không, chúng ta sẽ không đứng vững trên đôi chân của mình.

 

Thủ tướng so sánh, một phép tính đơn giản mà ai cũng có thể nhẩm được, đó là từ 1.000 lên 1.001 chúng ta đạt mức tăng trưởng 0,1 phần trăm, từ 100 lên 101 tăng 1 phần trăm, nhưng từ con số 0 lên 1 chúng ta đạt mức tăng vô cùng lớn. Đưa một địa phương đã phát triển tiếp tục phát triển đã rất khó khăn, song để đưa một địa phương đi lên từ con số 0 hoặc có xuất phát điểm rất thấp lại càng khó khăn gấp bội.

 

Năm loại vốn sẵn có ở Quảng Ngãi

 

“Nói điều này để chúng ta thấy rằng cần phải trân trọng từng đồng vốn đầu tư, dù nhỏ, của bất kỳ nhà đầu tư nào, bởi giá trị mang lại cho địa phương và người dân, vốn còn nhiều khó khăn nơi đây, là vô cùng lớn”, Thủ tướng bày tỏ. “Sau nhiều cuộc tiếp xúc và hiểu về những quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư Nhật Bản ở Hội nghị G20 vừa qua, suy nghĩ về các địa phương ở Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng, tôi nhận thấy Quảng Ngãi có rất nhiều tiềm năng mà các nhà đầu tư đang cần. Hạn chế của chúng ta là chưa làm cho tiềm năng của mình trở nên thực sự nổi bật và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư".

 

Thủ tướng nêu ra 5 loại vốn sẵn có ở Quảng Ngãi để địa phương và các nhà đầu tư nắm bắt và phát huy. Đó là vốn địa-kinh tế, với vị trí chiến lược của Quảng Ngãi trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và hành lang kinh tế Đông-Tây, vốn cơ sở hạ tầng, vốn tự nhiên (tỉnh có hơn 130 km bờ biển, hình thành hệ sinh thái du lịch biển đầy tiềm năng với nhiều bãi biển hoang sơ tuyệt đẹp như Sa Huỳnh, Mỹ Khê…); vốn văn hóa và vốn con người. Nhờ được tôi luyện trong môi trường khắc nghiệt, con người Quảng Ngãi đã rèn đúc cho mình sự cứng cỏi, dẻo dai, không chỉ có sức chịu đựng mà còn đủ ý chí, nghị lực, sức sáng tạo để cải biến tự nhiên, phát triển kinh tế, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.

 

Thủ tướng cho rằng, sản vật của tự nhiên qua bàn tay và khối óc con người Quảng Ngãi đã trở thành những món đặc sản đậm phong vị quê hương như cá bống, cá thài bai, đường phèn, đường phổi, kẹo gương, mạch nha và rất nhiều món ăn đặc sản khác... Đây là những thương hiệu bản địa mà nếu các nhà đầu tư biết cách khai thác, quảng bá và phát triển sẽ tạo nên những giá trị thương mại rất lớn. Thủ tướng tin rằng, các nhà đầu tư về với Quảng Ngãi sẽ xiêu lòng và dẫn câu ca dao “Phải đâu chàng nói mà xiêu/Tại con cá bống, tại niêu nước chè”.

 

Tiếp tục giới thiệu về thành tựu của Quảng Ngãi, Thủ tướng nêu rõ, quy mô nền kinh tế Quảng Ngãi giờ đây đã chiếm 1,3% GDP của cả nước, chính vì vậy những phần trăm tăng trưởng của Quảng Ngãi rất có ý nghĩa đối với tăng trưởng cả nước. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng kinh tế cao nhưng còn chứa đựng nhiều yếu tố thiếu ổn định, chất lượng vẫn chưa cao, chưa hài hòa, chưa bao trùm. Quy mô nền kinh tế nhìn chung còn nhỏ. Thu nhập bình quân đầu người chỉ tương đương với trung bình cả nước, chưa thể dẫn dắt thu nhập chung của cả nước. Tỷ lệ tiêu dùng cao nhưng sức mua yếu. Cấu trúc tiêu dùng của xã hội chưa thay đổi nhiều cho thấy đời sống của người dân vẫn chưa thực sự khấm khá.

 

“Thứ vốn mà Quảng Ngãi đang thiếu hiện nay chính là môi trường kinh doanh”, Thủ tướng chỉ ra. Năm 2018, Quảng Ngãi xếp hạng không tốt về PCI (hạng 41), trong khi tỉnh đã từng đạt thứ hạng khá cao trong quá khứ (PCI thứ 7 năm 2013).

 

Vậy Quảng Ngãi phải làm gì? Thủ tướng yêu cầu tỉnh cần tiếp tục cải cách hành chính và nâng cao năng lực quản trị nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của địa phương. Tiếp tục thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan quản lý nhà nước, giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức, phát huy tính năng động, sáng tạo, tiên phong dám nghĩ dám làm của cán bộ các cấp …

 

Phải có quy hoạch và chiến lược ưu tiên phát triển các ngành kinh tế một cách chọn lọc và rõ ràng dựa trên lợi thế so sánh để điều hướng phân bổ nguồn lực. Đặc biệt là giữa ưu tiên phát triển công nghiệp (đặc biệt là công nghiệp nặng) với du lịch. Đây cũng là vấn đề "lấn cấn" của nhiều địa phương. Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi tiên phong thực hiện một cuộc “đột phá Ba Tơ” cho vấn đề này, làm bài học cho các địa phương khác.

 

Cần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động tương xứng với xu hướng chuyển dịch cơ cấu giá trị sản xuất mà nền kinh tế đã đạt được, tránh hiện tượng “bóng đi trước, hình chạy sau”. “Vì vậy, tôi đề nghị những nơi có thể phát triển đô thị mạnh mẽ như Đức Phổ, Vạn Tường… cần quy hoạch tốt, đầu tư tốt để cải thiện đời sống nhân dân. Không chỉ làm đô thị rất lớn, mấy trăm, mấy nghìn ha, cái đấy là cần thiết, như FLC đang làm ở đây, còn những đô thị quy mô nhỏ, chúng ta phải tiếp tục tổ chức để bộ mặt nông thôn tốt hơn nữa cùng với việc xây dựng nông thôn mới”, Thủ tướng nói.

 

Nhắn nhủ với chính quyền Quảng Ngãi, Thủ tướng nhấn mạnh, chính quyền cần khẳng định và nhất quán với quan điểm về thu hút nhà đầu tư là không “tham lớn khinh nhỏ” và cũng không được vì lợi ích trước mắt mà xem nhẹ lợi ích lâu dài. Thu hút được những nhà đầu tư lớn là rất quý giá, nhưng nuôi dưỡng được những nhà đầu tư nhỏ lớn lên càng đáng quý hơn nhiều.

 

 

Thủ tướng chứng kiến tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

 

Ít mà chất hơn nhiều mà loãng

 

Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng nhắc lại thông điệp: “Nói phải đi đôi với làm, làm thì phải làm nhanh, không nói thứ không làm được”. Chúng ta chỉ cần số ít nhà đầu tư có tiềm lực thực sự chứ không cần nhiều nhà đầu tư nhưng kém năng lực, ít mà chất hơn nhiều mà loãng.

 

Chính phủ rất cần những nhà đầu tư chuẩn mực, hướng đến các giá trị dài hạn, có đóng góp cho nền kinh tế và thực hiện các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Chúng ta kiên quyết không chấp nhận những doanh nghiệp lợi dụng lỗ hổng của luật pháp để trục lợi, làm ăn phi chân chính, trốn thuế, gian lận thương mại, gây ô nhiễm môi trường, làm hư hại các tài nguyên thiên nhiên, làm xói mòn các giá trị xã hội, v.v…

 

Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư hôm nay có các biên bản ghi nhớ, ký kết các khuôn khổ hợp tác đầu tư cần phải sớm thực hiện các cam kết của mình. Thủ tướng được biết có những nhà đầu tư đã bắt tay vào hiện thực hóa các ý tưởng mà không cần chờ đợi hội nghị xúc tiến hôm nay. Đó là vì thời cơ kinh doanh không thể chờ đợi.

 

Sức mạnh của công ty phải đến từ chính thực lực nội tại của doanh nghiệp, phải được nuôi dưỡng và tạo lập giá trị bằng hoài bão, sự khát vọng và ý chí sắt đá như con người miền Trung. Vai trò của Chính phủ và Thủ tướng sẽ là thúc đẩy và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương là một chứng chỉ của niềm tin đối với doanh nghiệp.

 

Thủ tướng cho rằng, như một cuộc thi điền kinh 4x100 m tiếp sức, sự đến đích nhanh hay chậm không chỉ do người chạy cuối quyết định mà là do cả 4 người. Nếu chia quãng thời gian 30 năm qua kể từ khi tái lập tỉnh Quảng Ngãi như một cuộc thi tiếp sức 6x5 năm thì chúng ta là người chạy cuối. Ngược lại nếu đặt tầm nhìn cho 30 năm tới thì chúng ta lại là người chạy đầu. Dù chạy đầu hay chạy cuối thì việc đến đích vẫn bị ảnh hưởng nếu ai đó trì trệ.

 

Ý thức được điều này, mỗi một cán bộ, công chức, viên chức cần phát huy vai trò năng động, tinh thần trách nhiệm, tính tiên phong, nhanh chóng nắm lấy "cờ chuyền", chạy thật nhanh và chắc chắn về đích.

 

“Chí khí của người miền Trung tựa như những cây xương rồng trong sa mạc. Dù có khô cằn sỏi đá thế nào thì nó vẫn sống, vẫn sinh sôi nảy nở, vẫn vươn lên, vẫn ra hoa đẹp. Vẻ đẹp đó càng ý nghĩa hơn khi nó tô điểm cho bức tranh đầy gió cát của sa mạc. Cũng như những cây xương rồng kia, tiếp nối truyền thống hiếu học, sự vẻ vang của cha ông, người dân Quảng Ngãi quyết không thể để cái đói, cái nghèo theo đuổi hay đeo mang bên mình mãi. Giờ đây, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp và nhà đầu tư, tôi càng tin tưởng rằng ngày càng nhiều hoa sẽ sinh sôi nảy nở mạnh mẽ hơn nữa trên mảnh đất Quảng Ngãi thân yêu”, Thủ tướng bày tỏ.

 

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án với tổng vốn đầu tư 14.538 tỷ đồng, trao ghi nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn 3.640 tỷ đồng.

 

Theo Chinhphu.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang