Báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ do Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang cho biết, năm 2021 và 08 tháng năm 2022, trong bối cảnh chung của cả nước tiếp tục chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh và các yếu tố tác động khác; song tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2021 đạt 6,28%, 6 tháng đầu năm 2022 đạt 7,8%, phấn đấu cả năm 2022 đạt trên 8%.
Quy mô kinh tế năm 2021 đạt 80,7 nghìn tỷ đồng; dự kiến hết năm 2022 đạt khoảng 86,5 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2015. Công nghiệp phục hồi nhanh (năm 2021 tăng 9,3%, 6 tháng năm 2022 tăng 15,1%, dự kiến cả năm 2022 tăng 16-18%).
“Lĩnh vực dịch vụ phục hồi nhanh sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá trị tăng thêm năm 2021 tăng 3%, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,4%. Giá trị xuất khẩu tăng cao, năm 2021 đạt 8,3 tỷ USD (xếp thứ 10/63 tỉnh); 08 tháng năm 2022 đạt 7,6 tỷ USD, dự kiến cả năm 2022 đạt trên 12 tỷ USD”- ông Bùi Văn Quang cho biết.
Cùng đó, khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được tập trung chỉ đạo, đạt được những kết quả quan trọng theo đó đã chú trọng rà soát bổ sung quy hoạch, kế hoạch, chính sách hỗ trợ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2021 và 8 tháng năm 2022 thu hút 186 dự án đầu tư, vốn đăng ký 96 nghìn tỷ đồng, trong đó có 18 dự án FDI với tổng mức đầu tư 796 triệu USD. Một số dự án quy mô lớn về sản xuất linh kiện điện tử, công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, vật liệu xây dựng sắp đi vào hoạt động, bổ sung năng lực tăng thêm, góp phần tăng trưởng cao thời gian tới.
Về đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục ưu tiên bố trí đầu tư mới, cải tạo 18 tuyến đường giao thông kết nối các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu với các tuyến giao thông quốc gia, liên vùng, liên tỉnh; Chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang để triển khai các dự án giao thông kết nối; mục tiêu đến năm 2025 mở thông các tuyến giao thông đối ngoại với các tỉnh xung quanh.
Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, các chỉ số đánh giá có nhiều tiến bộ. Kết quả xếp hạng 4 chỉ số: Par Index, PCI, Sipas, Papi năm 2021 có tiến bộ vượt bậc. Chỉ số PCI (xếp thứ 20/63 tỉnh, tăng 2 bậc, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công- PAPI (xếp thứ 6/63, tăng 32 bậc); chỉ số CCHC PAR Index (xếp thứ 9/63, tăng 01 bậc); Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính- SIPAS đạt 89,3% (xếp thứ 13/63, tăng 8 bậc so năm 2020).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu
Năm 2021 và 08 tháng đầu năm 2022 có 1.445 doanh nghiệp, 111 hợp tác xã thành lập mới, tăng 16,7% (vốn đăng ký kinh doanh 16,7 nghìn tỷ đồng, tăng 65% so năm 2020).
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phú Thọ xác định tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ.
Quyết liệt triển khai khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp, đô thị và dịch vụ; hạ tầng giáo dục và y tế thiết yếu, công nghệ thông tin, công nghệ số,... Tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh đến năm 2030; các quy hoạch, kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực.
Tập trung nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng cơ hội để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp để công nghiệp thật sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp của tỉnh. Chú trọng phát triển toàn diện các lĩnh vực xã hội, nhất là y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Báo cáo của UBND tỉnh cũng đề xuất một số kiến nghị với đoàn công tác Chính phủ liên quan đến thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền, phân cấp quản lý phê duyệt quy hoạch, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, thực hiện Nghị quyết số 39/NQ-QH của Quốc hội, Quyết định số 326/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 cùng một số kiến nghị cụ thể về văn hoá, y tế, xã hội.
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành đã bày tỏ vui mừng trước các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của Phú Thọ trong 8 tháng đầu năm, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ các kiến nghị nêu trong báo cáo của lãnh đạo tỉnh, nhấn mạnh tỉnh đã và đang có nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.
Trước khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác Chính phủ đã đi đi kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai có tổng chiều dài 40,2 km. Trong đó, đi trên địa phận tỉnh Tuyên Quang khoảng 11,63 km, đi trên địa phận tỉnh Phú Thọ khoảng 28,57 km. Tổng mức đầu tư của dự án sau điều chỉnh là 3.712 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương, được chia thành 2 giai đoạn.
Thủ tướng cũng đã khảo sát thực tế, làm việc tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, cùng các bộ, cơ quan và địa phương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho mô hình tự chủ tại đây.
Theo báo Công Thương