Thứ Bẩy, 23/11/2024 09:46:06 GMT+7
Lượt xem: 3078

Tin đăng lúc 27-09-2016

Thủ tướng: Thanh Hóa phải phát huy tiềm năng của một Việt Nam thu nhỏ

Bên cạnh yêu cầu Thanh Hóa phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, Thủ tướng mong muốn tỉnh giữ gìn đoàn kết, chống tham nhũng, tiêu cực, “sân trước, sân sau”…
Thủ tướng: Thanh Hóa phải phát huy tiềm năng của một Việt Nam thu nhỏ
Thủ tướng: Thanh Hóa phải phát huy tiềm năng của một Việt Nam thu nhỏ

Chiều  26/9, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển kinh tế-xã hội.


Góp ý cho Thanh Hóa, các ý kiến bộ, ngành cho rằng, tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển, có các tuyến giao thông huyết mạch của cả nước chạy qua, có Cảng hàng không Thọ Xuân, cửa khẩu quốc tế với Lào, có hơn 100 km bờ biển với Cảng nước sâu Nghi Sơn. Thanh Hóa có tiềm năng lớn về nguồn nhân lực, lực lượng lao động khoảng 2,3 triệu người, lao động đã qua đào tạo chiếm 55%; có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch với nhiều di tích lịch sử quốc gia và các danh lam thắng cảnh...



Tuy nhiên, qua các thời kỳ, Thanh Hóa luôn nằm trong tốp trung bình của cả nước, cho thấy tỉnh chưa phát triển hết tiềm năng, thế mạnh của mình, nhất là 4 vùng động lực phát triển, còn gọi là “tứ Sơn” gồm Nghi Sơn, Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Lam Sơn.



Phấn đấu trở thành một tỉnh khá



Nhất trí với nhận định Thanh Hóa là một “Việt Nam thu nhỏ”, Thủ tướng cho rằng thời gian qua, tỉnh có nhiều nỗ lực, phát triển nhanh, toàn diện, có nhiều công trình mới được xây dựng. Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, tỉnh phấn đấu đạt, vượt các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2016.



Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, là tỉnh lớn, với dân số trên 3,5 triệu người, quy mô kinh tế của Thanh Hóa còn nhỏ và vẫn cần trợ cấp từ ngân sách Trung ương tới 50%. Nông nghiệp chiếm tỉ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế, năng suất lao động còn thấp. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh mới bằng 75% mức bình quân của cả nước. Tính bình quân 475 người dân mới có một doanh nghiệp trong khi tỉ lệ này của cả nước là 160 người dân có một doanh nghiệp. Doanh nghiệp ở Thanh Hóa chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ.



Từ việc chỉ ra các mặt tích cực và bất cập, hạn chế của Thanh Hóa, Thủ tướng nhấn mạnh: Tỉnh phải phát huy truyền thống quý báu của mình, tự lực, tự cường, phấn đấu trở thành một tỉnh khá.



Từ lợi thế so sánh, Thanh Hóa cần chuẩn bị điều kiện để hội nhập tốt hơn nữa. “Một câu hỏi đặt ra là khi hội nhập, nhất là khi có nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thì người dân, doanh nghiệp Thanh Hóa phát triển theo hướng nào? Nếu không trả lời được thì chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong phát triển”, Thủ tướng chia sẻ.



Thủ tướng cho rằng, Thanh Hóa cần làm tốt quy hoạch để không có sự mâu thuẫn trong phát triển. Trong lãnh đạo, điều hành, lưu ý bảo đảm nguyên tắc thị trường. Xã hội hóa mạnh mẽ mọi nguồn lực, ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.



Đổi mới tư duy phát triển, tìm mô hình phù hợp, đa dạng hóa các loại hình đầu tư, quan tâm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế đi liền với ổn định xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội. Giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm môi trường sống bình yên cho nhân dân.



Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, tăng giá trị chăn nuôi, phát triển thủy sản, đưa doanh nghiệp về nông thôn. Triển khai các biện pháp để phát triển vùng miền Tây Thanh Hóa hiện còn nghèo khó. Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo ở Thanh Hóa xuống dưới mức bình quân của cả nước.

 

 

Chống tình trạng “sân trước, sân sau”, giữ gìn đoàn kết



Nhấn mạnh tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, Thủ tướng cho rằng, đối với một tỉnh, thì đội ngũ cán bộ tốt, cơ chế tốt, sẽ phát triển tốt.



Phải chống tiêu cực, tham nhũng, chống tình trạng “sân trước, sân sau”, phát huy dân chủ, tăng cường đoàn kết. Sự đoàn kết này phải từ Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, trong UBND, trong các huyện, thành phố của Thanh Hóa, Thủ tướng nhấn mạnh.


Thanh Hóa cần nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ, xây dựng nền hành chính liêm chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng xử lý thông tin phản hồi của người dân, doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển. Quản lý chặt chẽ đầu tư công, kiên quyết không phê duyệt và khởi công mới các dự án khi chưa xác định được nguồn vốn, không để phát sinh nợ mới; quản lý chặt chẽ ngân sách, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định của nhà nước.



“Cần tiếp tục suy nghĩ để phát huy tiềm năng, lợi thế của một Việt Nam thu nhỏ”, Thủ tướng bày tỏ và yêu cầu Thanh Hóa tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nỗ lực hoàn thành cao nhất mục tiêu đã đề ra cho năm 2016 và các năm tiếp theo.


 

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng qua, tăng trường kinh tế (GRDP) ước đạt 8,06% (nếu loại trừ yếu tố thuế, ước đạt 8,97%), là mức tăng cao trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Đã chấp thuận cho 158 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 18.361 tỷ đồng, gấp 2,5 lần vốn đăng ký đầu tư so với cùng kỳ. Ngành du lịch đón 5,54 triệu lượt khách, tăng hơn 16%. 

 

 

Nguồn Chinhphu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang